Fitch Ratings: Các ngân hàng Việt Nam có thể cần tới 10,7 tỷ USD để nâng tỷ lệ CAR lên mức 10%

25/11/2024
Tổ chức xếp hạng này cho rằng nguồn vốn các ngân hàng Việt Nam vẫn còn mỏng và có thể cần huy động thêm 10,7 tỷ USD để duy trì tỷ lệ CAR bình quân ở mức 10%

Trong một báo cáo mới đây, Fitch Ratings nhận định, mức vốn thấp có khả năng vẫn là điểm yếu tín dụng đối với các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng, vì tốc độ tăng trưởng cho vay tăng nhanh sẽ khiến việc nâng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trở nên khó khăn trong 2-3 năm tới.

Cụ thể, trong những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ bởi khả năng sinh lời tốt hơn và xu hướng tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, sức khỏe nguồn vốn của ngành ngân hàng Việt Nam đã và đang được cải thiện. Theo ước tính của Fitch Ratings, các ngân hàng chỉ cần huy động thêm khoảng 0,6 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu CAR tối thiểu 8% của Basel II trước thời hạn tháng 1 năm 2023.

Trong trường hợp phải tăng dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản lỗ tiềm ẩn từ các khoản vay có vấn đề và duy trì CAR bình quân ở mức 10%, hệ thống ngân hàng có thể phải huy động thêm 10,7 tỷ USD (~2,9% GDP). Trong đó, sự thiếu hụt vốn đặc biệt xảy ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Tổ chức xếp hạng này dự báo, tiềm lực vốn của các ngân hàng Việt Nam sẽ vẫn còn mỏng. Theo các dữ liệu được cập nhật đến giữa tháng 3/2022, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng Việt nam ở khối ngân hàng thương mại nhà nước là 9,3% và nhóm tư nhân là 11,4%. Trong khi đó, CAR của trung bình một số quốc gia trong khu vực như Philippines là 17,6%, Singapore 17,9%, Malaysia 18,2%, Thái Lan 19,9%, Indonesia 25,2%.

Bên cạnh đó, Fitch Ratings cho rằng tăng trưởng tín dụng cao và liên tục ở các ngân hàng cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về chất lượng tài sản, đặc biệt là trong trường hợp nền kinh tế đi xuống.

Tổ chức này cho biết, có thể nâng xếp hạng khả năng hoạt động của hầu hết các ngân hàng Việt Nam cao hơn một bậc nếu tỷ lệ vốn cốt lõi cao hơn 2-3 điểm phần trăm. "Tuy nhiên, trừ trường hợp huy động thêm vốn bên ngoài, các thay đổi nội tại của ngân hàng chỉ ở mức khiêm tốn", Fitch Ratings cho biết thêm.

Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong 2022 của Ngân hàng Nhà nước, Fitch Ratings nhận định, đây vẫn là một mức tăng trưởng cao (bình quân giai đoạn 2017-2021 là 14%) và cho thấy tỷ lệ an toàn vốn hệ thống ít có khả năng cải thiện nhanh chóng. Điều này sẽ càng rõ nét hơn nếu yêu cầu không chia cổ tức tiền mặt của NHNN, áp dụng kể từ tháng 3 năm 2020 được nới lỏng.

Fitch Ratings: Các ngân hàng Việt Nam có thể cần tới 10,7 tỷ USD để nâng tỷ lệ CAR lên mức 10% - Ảnh 1.
https://cafef.vn/fitch-ratings-cac-ngan-hang-viet-nam-co-the-can-toi-107-ty-usd-de-nang-ty-le-car-len-muc-10-20220319224618589.chn

Nguồn: