Những phiên giao dịch gần đây chứng kiến diễn biến đáng chú ý tại cổ phiếu EIB của Eximbank. Cụ thể, thị giá EIB đã bật tăng 12,4% trong tuần trước và là mã có tỷ suất sinh lời cao thứ hai trong nhóm ngân hàng. Đi cùng với diễn biến giá, thanh khoản của EIB cũng tăng đột biến khi gấp 2 – 3 lần các tuần trước đó.
Ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra sôi động.
Theo thống kê của người viết, kể từ đầu tháng 10 đến nay đã có hơn 40 triệu cổ phiếu EIB được sang tay theo phương thức này, tương đương giá trị 933 tỷ đồng. Nhiều phiên liên tục, các thoả thuận diễn ra tại giá sàn.
Lũy kế từ đầu năm, đã có gần 356 triệu cổ phiếu EIB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị đạt xấp xỉ 9.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu này tương đương 28,8% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank. Mặc dù điều này chưa đủ cơ sở để khẳng định 28,8% vốn của Eximbank đã đổi chủ kể từ đầu năm nhưng nó đã cho thấy phần nào sự biến động về cơ cấu cổ đông ngân hàng này.
Cổ phiếu EIB ''lên sóng'' trong bối cảnh thị trường những tháng gần đây xuất hiện tin đồn: Nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC – cổ đông chiến lược nước ngoài của nhà băng này.
DOJI là tập đoàn tư nhân đa ngành, được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, đá quý. Những năm gần đây, tập đoàn này liên tục lọt vào Top những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam với hàng loạt công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Trong mảng ngân hàng, DOJI tham gia tái cấu trúc TPBank từ năm 2012 và hiện là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu 6,49% vốn. Thống kê sơ bộ từ báo cáo quản trị TPBank cho thấy DOJI và nhóm cổ đông liên quan đang sở hữu ít hơn 20% vốn điều lệ của TPBank vào cuối tháng 6/2021.
Tuy nhiên, trả lời truyền thông mới đây, đại diện DOJI đã bác bỏ thông tin DOJI hay nhóm cổ đông liên quan đến DOJI mua lại 15% cổ phần EIB từ SMBC.
Về SMBC, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại Eximbank. Cụ thể, SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.
Ngoài ra, một số nguồn tin không chính thức trên thị trường cũng cho rằng SMBC sẽ "buông’’ Eximbank sau hơn 13 năm gắn bó để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank. Bởi theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.
Thông tin SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank đang ngày càng được củng cố khi VPBank đã ‘’trải thảm’’ đón cổ đông chiến lược khi khóa "room’’ ngoại ở mức 15% để chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ. Mặc dù ngân hàng chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược nhưng lãnh đạo VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới.
Không những vậy, những diễn biến mới đây cho thấy mối quan hệ giữa VPBank và SMBC đang ngày càng ‘’nồng ấm’’.
Vừa qua, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 10, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.
''Sự kiện này là bước phát triển mới, tiếp tục mở ra các cơ hội hợp tác toàn diện giữa VPBank và SMBC trong thời gian tới.'', Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết tại buổi ký thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với SMBC vào ngày 27/10.
Trở lại với Eximbank, tỷ lệ sở hữu giữa các "phe’’ tại ngân hàng này khi tiến hành họp đại hội cổ đông vào tháng 4 được cho là ngang ngửa nhau (đây cũng chính là nguyên nhân khiến các buổi đại hội cổ đông của nhà băng này liên tiếp bất thành trong thời gian qua).
Trong đó, một số nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ nhóm nhà đầu tư liên quan đến Ngân hàng Nam Á sở hữu lượng cổ phần xấp xỉ 38-39%.
Còn tỷ lệ cổ phần Eximbank của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một doanh nhân phía Bắc, của nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà Ngô Thu Thúy và quỹ VOF do VinaCapital quản lý cùng với một số pháp nhân và thể nhân nước ngoài khác khoảng trên 40%.
Vietcombank nắm giữ 4,82% cổ phần Eximbank và đứng ở vị trí trung lập. Trong khi cổ đông chiến lược nước ngoài SMBC đang nắm giữ 15% cổ phần.
Với cơ cấu cổ đông trên, trong trường hợp SMBC "buông tay" Eximbank, nhóm cổ đông nào tiếp quản lượng cổ phần do SMBC để lại sẽ có khả năng giành quyền chi phối nhà băng này.
Nguồn: