Nửa năm 2019 trôi qua, một kế hoạch lớn của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bước vào giai đoạn bắt đầu được chú ý, theo mục tiêu hoàn tất trong năm.
Năm nay Vietcombank tiếp tục chào bán khoảng 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, trong cấu phần kế hoạch tăng vốn điều lệ. Có thể xem đây là việc thực hiện tiếp phần chưa bán hết trong năm 2018, với chủ trương và cơ chế đã được các cơ quan chức năng và cổ đông chấp thuận.
Năm 2018: “Bạn rất tốt, nhưng tôi rất tiếc…”
Năm 2018, phải đến ngày làm việc cuối cùng của năm Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý, giao dịch bán cổ phần của Vietcombank cho GIC (quỹ đầu tư của Singapore) mới chính thức “khớp lệnh”.
Trước đó, ngay từ đầu năm, ngân hàng này đã chủ động tổ chức các cuộc giới thiệu, tiếp xúc các nhà đầu tư nước ngoài để chuẩn bị cho kế hoạch chào bán 10% cổ phần tăng vốn.
Tại đại hội đồng cổ đông tháng 4/2018, lãnh đạo Vietcombank cho biết nhiều nhà đầu tư quan tâm đến đợt chào bán trên. Nhưng, cuối cùng, lượng chào bán thành công chỉ đạt 3%, cùng với GIC có thêm cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu là Mizuho mua để cân bằng tỷ lệ sở hữu.
Trong năm 2018, Vietcombank liên tục tạo kỷ lục mới về lợi nhuận cập nhật qua từng quý, nợ xấu được giảm thực chất xuống dưới 1%. Triển vọng về một ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt lợi nhuận “tỷ đô” cũng dần hình thành…
Nhưng vì sao họ không bán được hết 10% mà chỉ 3%?
Trước giao dịch trên, sau một cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, một thành viên đoàn công tác của Vietcombank cho biết, các đối tác đều đánh giá cao các chỉ số cơ bản, thậm chí là rất ấn tượng với triển vọng hoạt động của ngân hàng, nhưng có những trở ngại “khó nói”.
Thứ nhất, tại thời điểm đó, hầu hết các nhà đầu tư tiềm năng mà Vietcombank giới thiệu đều đã có những khoản đầu tư mới vào cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam. Đại diện một quỹ đầu tư lớn chia sẻ bên lề rằng, cho đến nay những khoản đầu tư mới đó đều chưa có lãi, nếu không nói là đang lỗ.
Thực tế này khiến các quỹ đầu tư trở nên thận trọng hơn khi mở rộng thêm các khoản mới, bên cạnh việc cân nhắc chính sách phải trích lập dự phòng liên quan…
Quả thực, tại thời điểm đó và thậm chí cho đến nay, nếu tính theo giá bán cho các nhà đầu tư nước ngoài trước đây, thị giá cổ phiếu các ngân hàng trong dòng chảy này đều đã giảm sâu. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau năm 2017 khởi sắc bắt đầu bộc lộ nhiều khó khăn và điều chỉnh trong năm 2018.
Thứ hai, có tỷ lệ sở hữu lớn và có tài sản liên quan của Nhà nước, cơ chế bán của Vietcombank có quy định chặt chẽ về định giá, về mức giá bán không được thấp hơn bình quân số phiên xác định trên sàn. Trong năm 2018, giá cổ phiếu VCB của Vietcombank trên sàn phần lớn thời gian neo trên 6x.
Lãnh đạo Vietcombank cũng từng trao đổi bên lề rằng, thị giá cổ phiếu VCB lên cao gây khó cho việc chào bán. Trong khi đó nhà đầu tư còn phải chịu ràng buộc hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Cuối cùng, chốt năm 2018, như trên, ngân hàng này cũng đã bán thành công 3% với giá 55.800 đồng/cổ phiếu. Và chừng đó cũng đã thu về khoản thặng dư lớn.
Năm 2019: Vẫn ẩn số trở ngại giá bán
Với mức giá bán trên, dù chỉ mới ngắn hạn và mang tính thời điểm, VCB đang là trường hợp duy nhất của cổ phiếu ngân hàng Việt Nam mang lại tỷ suất sinh lời cao cho nhà đầu tư nước ngoài trong hai năm trở lại đây.
Từ đầu năm 2019, đặc biệt trong quãng đi ngược thị trường chung để lên giá gần đây, giá cổ phiếu VCB đang hướng đến tạo đỉnh mới của năm, cuối tuần qua đã đạt 71.000 đồng/cổ phiếu.
Đây cũng là một trong những cổ phiếu lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam tạo được tăng trưởng hàng đầu về thị giá từ đầu năm đến nay.
Với thực tế đó, một lần nữa, giá cổ phiếu lên cao có lại làm khó Vietcombank trong kế hoạch chào bán tiếp cổ phần đang xúc tiến?
Có nhiều yếu tố định hình quyết định của nhà đầu tư. Thị giá cổ phiếu chỉ một phần, nhưng với Vietcombank lại trở thành trọng số trong quyết định đó, vì cơ chế bán quy định rõ yếu tố tham chiếu giá bình quân trên sàn theo số phiên xác định.
Nhìn sang trường hợp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thông tin bán 17,65% cổ phần cho KEB Hana Bank (Hàn Quốc) đưa ra từ đầu quý 3/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện thực. Theo thông tin cập nhật gần đây, các điểm về cơ chế và sự chấp thuận của các đầu mối chức năng đã xong, nhưng vướng mắc còn lại chủ yếu là giá bán.
Với Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong một lần trao đổi trước đây từng nêu quan điểm rằng: việc triển khai kế hoạch đều đã có các quy định, các cơ chế và khách quan, minh bạch theo thị trường, giá cũng mang tính thị trường. Còn với ngân hàng, chỉ có những khẳng định và chủ quan là tuân thủ theo các quy định và cơ chế, cũng như thúc đẩy hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả nhất.
Hiệu quả đó cũng góp phần định hình giá cổ phiếu trên sàn. Mà tại Vietcombank năm nay thực tế và triển vọng có xu hướng gia tăng thêm.
Qua 5 tháng đầu năm 2019, ngân hàng này đã đạt lợi nhuận trước thuế tới khoảng 9.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát dưới 1% và đặc biệt tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu đã vượt trên mức 170%.
Lãnh đạo Vietcombank dự tính, kế hoạch lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng năm nay cũng nằm trong tầm tay. Thậm chí, kết quả cuối cùng có thể cao hơn kế hoạch, do ngân hàng gần như đã mở rộng tối đa phạm vi nhận diện nợ xấu, khó mở rộng hơn được nữa để tăng thêm trích lập dự phòng; trong khi tín dụng và dịch vụ vẫn tăng trưởng đúng dự kiến, thậm chí riêng tín dụng có thể xin tăng thêm sau khi đã áp dụng Basel II và mức thực hiện sau 6 tháng đạt cao.
Có thể kết quả và triển vọng kinh doanh tốt đã và đang góp phần định hình giá cổ phiếu VCB tăng cao trên sàn. Nhưng điều đó có một lần nữa là trở ngại đối với kế hoạch bán vốn tới đây hay không? Đây vẫn là ẩn số phía trước.
Còn nhận định chung về đợt chào bán lần này, một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank khi trao đổi với BizLIVE cho biết: “Về cơ bản kế hoạch bán vốn năm nay vẫn thuận lợi”.
Nguồn: