Giá vàng tăng mạnh trong phiên thứ Sáu (5/11) lên mức cao nhất gần hai tháng sau khi các ngân hàng trung ương lớn sau cuộc họp tuần này đều có thái độ ôn hòa trong chính sách lãi suất, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tỏ thái độ rất kiên nhẫn, làm tăng nhu cầu đối với kim loại trú ẩn an toàn này.
Theo đó, giá vàng giao ngay kết thúc phiên này tăng 1,2% lên 1.813,36 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 1,3% lên 1.816,80 USD/ounce. Trong phiên, có thời điểm giá vàng vọt lên mức 1.818,8 USD.
Diễn biến giá vàng tuần qua.
Về chính sách tiền tệ của Fed, mặc dù bắt đầu giảm dần kích thích kinh tế từ tháng này, song Chủ tịch Fed, Jerome Powell, thừa nhận không chắc chắn về vấn đề lạm phát, và nhấn mạnh rằng vẫn còn quá sớm để bắt đầu giảm lãi suất.
Tuần này, các thông báo của ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ đã giúp giá vàng đảo ngược xu hướng giảm lúc đầu tuần để kết thúc một tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 8, tăng khoảng 1,8%.
Trong nước, giá vàng kết thúc tuần cũng tăng. Giá vàng SJC tại Hà Nội chốt phiên 5/11 ở 58 - 58,65 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng gần 1 triệu đồng so với 57,7 - 58,35 triệu đồng/lượng hôm 1/11. Tại TPHCM, giá là 58,05 - 58,75 triệu đồng/lượng, cũng tăng khá nhiều so với 57,75 - 58,45 triệu đồng/lượng hôm đầu tháng.
Cục Dự trữ Liên bang hôm thứ Tư (3/11) vẫn giữ quan điểm của mình rằng lạm phát sẽ chỉ là "nhất thời" và có thể sẽ không sớm tăng lãi suất. Sau đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã gây bất ngờ cho thị trường khi thông báo giữ nguyên lãi suất.
Chính sách lãi suất gần bằng 0 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đại dịch COVID-19 đã đẩy giá vàng tăng cao trong hai năm qua, do chính sách nới lỏng tiền tệ làm tăng cơ hội nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng. Đồn đoán các ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất khiến cho các nhà đầu tư vàng ‘án binh bất động’ trong nhiều ngày qua. Nhưng mọi thứ có vẻ đang thay đổi.
"Giá vàng bắt đầu dao động mạnh trong ngày cuối tuần, khác với sự trầm lắng của những ngày vừa qua. Thị trường đang cố gắng tìm hiểu xem Fed thực sự ‘diều hâu’ đến mức nào. Các bình luận của Powell để ngỏ khả năng Fed sẽ quay trở lại thái độ ‘diều hâu’ đó. Song, ngân hàng trung ương Mỹ có nhiều khả năng sẽ kiên nhẫn hơn để tạo điều kiện cho nền kinh tế giữ vững đà hồi phục – điều đó có lợi cho giá vàng tăng. Fed có thể chờ đợi lâu hơn trước khi tăng lãi suất, hoặc thậm chí có thể ngừng việc giảm nới lỏng định lượng", chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins, Everett Millman, cho biết.
Nhà phân tích Lukman Otunuga của FXTM cho biết: "Động lực của xu hướng tăng của giá vàng gần đây là lập trường của Fed trong việc không vội vã tăng lãi suất".
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ Mỹ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng một tháng vào thứ Sáu (5/11).
Về mặt dữ liệu kinh tế, giá vàng tăng giá bất chấp nền kinh tế Mỹ có thêm 531.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp – một con số ấn tượng – và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,6% trong tháng 10.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty môi giới OANDA, cho biết việc thị trường không có phản ứng mạnh đối với những dữ liệu mới cho thấy "bất chấp báo cáo thị trường lao động mạnh mẽ, những gì Chủ tịch Cục Fed Jerome Powell đã báo hiệu trong tuần này sẽ không có gì thay đổi". Lý do là bởi tỷ lệ tham gia thị trường lao động không thay đổi, vẫn ở mức 61,6%, giám đốc chiến lược toàn cầu của TD Securities, Bart Melek cho biết.
"Về cơ bản, điều đó có nghĩa là sự tham gia của lực lượng lao động vẫn còn ở mức thấp một cách đáng lo ngại và mọi người chưa có đủ việc làm," ông Melek nói. "Đây là lý do tại sao các thị trường không đặt cược lớn vào khả năng Fed sắp thắt chặt tiền tệ. Thêm vào đó, mọi người nghi ngờ vào khả năng tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ sẽ có thể tiếp tục duy trì trong sáu tháng hoặc một năm tới."
Với thông báo giảm kích thích kinh tế nhưng với thái độ ‘ôn hòa’ của Fed và dữ liệu việc làm đúng như dự kiến, việc tăng lãi suất trước đây được dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới có vẻ không mấy khả thi.
"Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ khá nới lỏng trong một thời gian dài bởi vì chúng ta vẫn chưa tiệm cận được mức toàn dụng lao động. Quan điểm của Fed là giữ cho nền kinh tế nóng lên đủ để hấp thụ nhiều lực lượng lao động", ông Melek nói.
Ông Millman của Gainesville Coins cũng có chung quan điểm như vậy khi cho rằng dữ liệu việc làm tích cực không ảnh hưởng đến vàng là một dấu hiệu cho thấy thị trường vàng đang kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ kiên nhẫn. "Vàng, đô la, lãi suất suất đang di chuyển cùng chiều, điều này là bất thường, nhưng đó là phản ứng nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp Fed không thể tăng lãi suất," ông Millan nói.
Về triển vọng giá vàng sắp tới, ông Melek cho biết nhà đầu tư vàng có thể chốt lời ở mức giá trên 1.800 USD/ounce. "Mức 1.809 đô la là mức kháng cự khá chắc chắn. Một khi vượt qua mức đó, giá vàng có thể tăng cao hơn." Trong khi đó, mức $ 1,786 tiếp tục đóng vai trò là hỗ trợ.
Nếu vàng phá vỡ trên 1.800 đô la, giá có thể tăng 50 USD vào tuần tới" ông Millman cho biết.
Theo ông: "Các thị trường quan trọng bên ngoài vàng cần được theo dõi sẽ là đô la và thị trường trái phiếu. Nếu cả hai thị trường này đều ổn định, vàng sẽ tiếp tục bị mắc kẹt trong phạm vi hẹp. Nếu nhu cầu đối với USD và trái phiếu kho bạc tăng, điều đó cho thấy nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn cũng tăng, và nhu cầu vàng do đó cũng tăng theo USD và trái phiếu".
Tham khảo: Kitco, Reuters
Nguồn: