USD tăng mạnh so với euro và các tiền tệ khác, trong khi đồng yen quay đầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang tăng nhanh nhất trong vòng nhiều thập kỷ khiến ngân hàng trung ương có thể không còn nhiều lựa chọn ngoài giải pháp điều chỉnh lãi suất.
Dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tháng 10 tăng mạnh nhất kể từ 1990, và các nhà giao dịch tin chắc rằng Fed sẽ có phản ứng bằng cách tăng lãi suất nhanh hơn so với ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản.
Chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 10/2021 đã tăng 0,9% so với tháng 9/2021 và 6,2% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp đôi mức dự đoán của thị trường.
Đồng euro EUR tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Ngân hàng Trung ương Châu Âu bị tụt hậu trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Euro cuối chiều 11/11 theo giờ Việt Nam giảm tiếp xuống 1.1459 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Đồng bảng Anh cũng giảm nhẹ xuống mức thấp nhất mới trong vòng 11 tháng, là 1,3388 USD, bất chấp dữ liệu GDP của nước này vừa công bố cao hơn mức kỳ vọng.
Dữ liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố cho thấy nền kinh tế nước này tăng 0,6% trong tháng 9, nhưng số liệu về tăng trưởng ở những tháng trước đó đã bị điều chỉnh giảm, khiến nền kinh tế vẫn kém hơn so với hồi tháng 2 năm 2020.
Trong cuộc họp chính sách tháng 11 của mình, Ngân hàng Trung ương Anh đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 0,1% thay vì nâng lên như đã báo hiệu trước đó.
Đồng yên đảo chiều giảm trở lại, xuống mức 114,15 JPY, thấp gần nhất trong vòng 4 năm và không xa so với mức thấp 114,69 JPY chạm tới vào tháng trước. Đô la Australia và đô la New Zealand cũng lao dốc xuống mức thấp nhất trong một tháng do giá hàng hóa đang có xu hướng giảm.
So với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt, Dollar index cuối chiều 11/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 95,02, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng mạnh mẽ của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, bao gồm cả việc lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm vượt qua 1,5%, là tác nhân dẫn đến bước nhảy vọt của đồng đô la.
Các nhà phân tích của UniCredit cho biết: "Việc các nhà đầu tư có thúc đẩy tỷ giá EUR-USD giảm xuống các mức hỗ trợ tiếp theo, khoảng 1,1425 - 1,1380 USD, hay không sẽ là phép thử quan trọng cho thị trường ngoại hối hiện nay". "Tuy nhiên, thử nghiệm này có khả năng cũng sẽ phụ thuộc vào sự gia tăng hơn nữa của lợi tức UST (trái phiếu kho bạc Mỹ) kỳ hạn dài và do đó, sẽ làm nới rộng thêm chênh lệch lợi tức giữa UST và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ."
Sau khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt, chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu Mỹ kỳ hạn 5 năm và lợi tức ở trái phiếu Nhật Bản và Đức cùng kỳ hạn trở nên cao nhất kể từ đầu năm 2020.
Các loại tiền tệ của thị trường mới nổi cũng phải chịu áp lực từ sự gia tăng mạnh mẽ của đồng đô la, với chỉ số tiền tệ của nhóm các nước này giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng.
Báo cáo về việc làm ở Australia cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này bất ngờ gia tăng lên 5,2%. Đô la Australia cuối chiều 11/11 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% xuống mức thấp nhất trong một tháng, là 0,7296 AUD, trong khi đô la New Zealand giảm 0,4% xuống 0,7032 USD.
Chiến lược gia Alan Ruskin của Deutsche Bank cho biết: "Từ quan điểm về ngoại hối cho thấy chúng ta đang gặp khó khăn". "Về đồng đô la, chúng ta có một tình huống khó xử cổ điển - nếu Fed không phản ứng với lạm phát cao, thì đồng USD là âm (giảm giá); nhưng nếu Fed thắt chặt lãi suất trong tương lai, thì đồng USD dương (tăng giá). Hiện tại, đồng đô la đang bị mắc kẹt giữa hai thế giới này."
Tiền tệ và chứng khoán Châu Á đồng loạt quay đầu giảm do USD mạnh lên. Đồng won của Hàn Quốc giảm 0,4% xuống mức thấp nhất 3 tuần, là mức giảm mạnh nhất trong số các tiền tệ Châu Á. Chứng khoán Singapore giảm tới 0,7% vào sáng 11/11, sau đó hồi phục chút ít vào cuối ngày.
Chứng khoán Indonesia đạt mức cao kỷ lục vào đầu phiên giao dịch, nhưng cũng quay đầu giảm vào cuối phiên, kết thúc ngày giảm 0,04% so với phiên trước. Trong số các loại tiền tệ châu Á khác, đồng baht của Thái Lan, đô la Singapore và peso của Philippines giảm từ 0,1% đến 0,4%
Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm, cuối ngày 11/11 ở mức 6,4055 CNY, giảm 158 pip so với phiên trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin ngày 11/11 có thời điểm chạm 69.957 USD, sau đó hạ nhiệt xuống quanh mức 65.000 USD. Ether cũng có thời điểm chạm 4.860 USD, trong ngày nhìn chung dao động quanh 4.600- 4.700 USD.
Diễn biến giá Bitcoin 24 giờ qua.
Đặc biệt, giá vàng giữ vững mức cao nhất trong vòng 5 tháng do nhu cầu mạnh trong bối cảnh lại phát nóng khắp tòa cầu.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay cuối chiều 11/11 tăng 0,6% so với lúc đóng cửa phiên liền trước, lên 1.860,59 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,8% lên 1.863,30 USD.
Trong nước, giá vàng đã chạm mốc 60 triệu đồng/lượng, cao nhất trong vòng hơn một năm. Theo đó, cuối chiều 11/11, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng miếng ở mức 59,3-60 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng so với buổi sáng; Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng tiếp tục tăng giá vàng SJC lên 59,3-60,03 triệu đồng/lượng; DOJI niêm yết 59,3-59,95 triệu đồng/lượng.
Các nhà đầu tư bắt đầu có niềm tin rằng mốc 1.900 USD của giá vàng sẽ đạt được trong tầm tay, sau đó sẽ là những mốc cao hơn nữa.
Han Tan, người phụ trách mảng phân tích thị trường thuộc Exinity cho biết: "Vàng giao ngay vẫn tăng giá sau khi dữ liệu CPI mới nhất của Mỹ giáng một 'cú đấm' mạnh vào 'nhóm tạm thời' (tài sản rủi ro cao)". Theo ông, giá vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ miễn là mối lo ngại về lạm phát vẫn còn đó.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: