Sau 3 tuần liên tiếp giảm, tuần này giá vàng đã tăng trở lại khi thêm gần 3% từ mức thấp nhất 5 tháng của ngày thứ Hai (30/11), với vàng giao ngay tại Thị trường vàng bạc London (LBMA) kết thúc phiên 4/12 ở mức 1.834,92 USD/ounce (tăng 2,6%), trong khi vàng kỳ hạn trên sàn New York giao sau 2 tháng là 1.840 USD/ounce.
Ở Châu Á, giá vàng tuần này cũng tăng. Theo đó, giá tại Ấn Độ ngày 4/12 đạt 49.400 rupee/10 gr (một tuần trước đó giá chỉ 47.550 rupee – mcs thấp nhất kể từ 19/6); tại Trung Quốc cùng thời điểm, giá vàng trừ lùi 20 USD/ounce so với giá tham chiếu quốc tế (giá tại LBMA); ở Hongkong cộng 0,5 à 1,5 USD/ounce so với giá tham chiếu, trong khi ở Singapore +1,2 USD so với giá tham chiếu.
Mặc dù ở phiên 4/12, giá vàng giảm nhẹ so với phiên trước đó (3/12), song ông Tai Wong, người phụ trách mảng kim loại quý của BMO, cho biết: "Sau 4 phiên hồi phục mạnh mẽ, nhà đầu tư bắt đầu chốt lời trước khi vàng tiến tới ngưỡng kỹ thuật 1.850 USD/ounce - ngưỡng được coi là rất quan trọng nhưng không phải là không thể khi mà vàng đã hồi phục đáng ngạc nhiên trong hai tháng vừa qua".
Dữ liệu công bố ngày 4/12 cho thấy, nền kinh tế Mỹ tháng 11 đã tạo ra số việc làm ít nhất trong vòng 6 tháng, cho thấy sự rất cần thiết phải có thêm những chương trình kích thích kinh tế. Kế hoạch cứu trợ chống Covid-19 trị giá 908 tỷ USD của lưỡng đảng ngày 3/12 đã thu hút được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Giá vàng đã tăng khoảng 21% trong năm nay, và các nhà đầu tư vẫn hy vọng giá sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là sau khi chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của kim loại quý này trong thời gian qua.
Những gói kích thích kinh tế sẽ là nguyên nhân đẩy lạm phát tăng lên, trong khi vàng luôn được xem là rào cản hữu hiệu chống lại lạm phát.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: "Ngoài những đợt điều chỉnh ngắn hạn thì đồng USD yếu đi, tỷ giá thực âm, những lo ngại xung quanh lạm phát và kỳ vọng về các biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa trong bối cảnh chính sách tiền tệ phù hợp có thể sẽ còn kích thích giá vàng tăng thêm nữa", mặc dù đã xuất hiện không ít những "cơn gió ngược chiều" kìm hãm giá vàng.
Ed Moy, cựu giám đốc của US Mint và hiện đang là chiến lược gia trưởng của công ty vàng Valaurum cho rằng còn nhiều lý do tương tự dự kiến sẽ đẩy giá vàng đi lên trong năm tới. "Có khả năng là sự không chắc chắn về việc kinh tế sẽ hồi phục như thế nào, và tốc độ hồi phục nhanh hay chậm, trên quy mô ra sao, cùng với những chương trình kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ trong thời gian qua cũng như có thể bổ sung trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy giá vàng tăng trong vài năm tới".
Peter Grosskopf, giám đốc điều hành của Sprott, cho biết trong năm nay, tỷ lệ nợ tăng vọt ở các nền kinh tế lớn và "kích thích tiền tệ và tài khóa mạnh dẫn đến tăng cung tiền" là hai yếu tố hàng đầu khiến gí vàng tăng; "Sự không chắc chắn và lo sợ (về triển vọng kinh tế) do đại dịch không ngừng gia tăng" là yếu tố quan trọng thứ 3, mặc dù ông tin rằng Covid-19 chính là yếu tố cơ bản làm gia tăng 2 yếu tố đầu tiên.
Cùng chung quan điểm đó, ông Moy cho rằng đại dịch Covid-19 và sự bất ổn kinh tế do nó gây ra, nhu cầu gia tăng đối với tài sản trú ẩn và nguồn cung vàng hạn chế, cùng với số lượng lớn các biện pháp kích thích trong thời gian ngắn, là những lý do chính khiến vàng tăng giá trong năm nay. Ông nói: "Nếu không có Covid-19 và tác động kinh tế của nó… thì vàng có thể sẽ không leo lên mức này".
Giá vàng tham chiếu, dựa trên hợp đồng giao dịch nhiều nhất, đã đạt mức cao kỷ lục là 2.069,40 USD/ounce vào ngày 6/8/2020.
Theo ông Grosskopf, ở thời điểm giữa năm, khi đó "vẫn còn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự hồi phục kinh tế, trong khi vấn đề vắc xin còn nhiều điều phải bàn", và "Vào thời điểm đó, vai trò của vàng như một tài sản bảo đảm sẽ vẫn hấp dẫn hơn những nhu cầu khác, vì vậy thời điểm giữa năm giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại là rất hợp lý".
Những thăng trầm trong quá trình dịch bệnh Covid-19 lây lan đã góp phần làm cho giao dịch vàng biến động, nhưng những tiến bộ trong sản xuất vắc xin ở Mỹ đã giúp làm giảm bớt lo ngại về triển vọng kinh tế trong mấy tuần gần đây, khiến cho giá vàng giảm xuống thấp hơn khoảng 200 USD/ounce (khoảng 10%) so với mức đỉnh của tháng 8.
Nhưng theo ông Moy, những "ẩn số" lớn nhất đối với giá vàng vẫn là con đường hồi phục kinh tế sẽ ra sao? Hiệu quả của vắc – xin và phương pháp điều trị Covid-19 sẽ như thế nào? Liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có giảm thanh khoản để ngăn chặn lạm phát hay không? Và liệu lo ngại về nợ quốc gia có "bắt đầu khiến Chính phủ giảm những chi tiêu khác hay không"?
Theo ông, sự biến động ngắn hạn trên thị trường vàng là điều có thể xảy ra, nhưng các nguyên tắc cơ bản về dài hạn vẫn không thay đổi và đều có lợi cho xu hướng tăng của giá vàng, nhất là sự bất ổn kinh tế và lo sợ về lạm phát.
Ông Joe Biden của đảng Dân chủ trên cương vị Tổng thống Mỹ cũng được cho sẽ là yếu tố khiến giá vàng tăng trong dài hạn. Theo ông Grosskopf, kết quả bầu cử ban đầu của Mỹ đã "xoa dịu" các thị trường tài chính – vốn trước đó là yếu tố "tiêu cực" đối với vàng. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi triển vọng tích cực của giá vàng vì vẫn còn đó "khả năng sẽ có nhiều khoản kích thích hơn nữa, lãi suất sẽ từ thấp đến âm, đồng USD suy yếu và tỷ lệ nợ ngoài tầm kiểm soát".
Ông Biden được dự báo là sẽ đưa ra nhiều biện pháp kich thích kinh tế hơn, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại có thể sẽ cao, "cả hai điều này sẽ là lý do để nhà đầu tư đẩy nhanh việc mua vàng," ông Grosskopf phân tích những cơ sở của nhận định giá vàng sẽ "có xu hướng tích cực" trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.
Nhìn chung, ông Grosskopf cho rằng việc giá vàng giảm gần đây là "đợt điều chỉnh lành mạnh và cơ hội mua" cho các nhà đầu tư. Năm 2021, giá sẽ tăng lên hơn 2.000 USD/ounce, và sẽ đạt kỷ lục cao mới vào giữa năm.
Tham khảo: Marketwatch, Reuters
Nguồn: