Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần vào rạng sáng 24-10 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đóng cửa ở mức 1.902 USD/ounce, giảm thêm 5 USD/ounce sau khi đã giảm 18 USD/ounce trong phiên giao dịch trước.
Trong ngày 23-10, tuy USD vào đầu ngày tăng giá nhưng nhà đầu tư tích cực mua vào nên giá vàng thế giới từ 1.907 USD/ounce leo lên 1.915 USD/ounce. Tuy nhiên, khi vàng chinh phục được mức giá, dù USD bất ngờ đảo chiều đi xuống có lợi cho giá vàng song giới đầu tư vẫn mạnh tay bán ra buộc giá vàng "bay hơi" 23 USD/ounce, xuống mức 1.892 USD/ounce. Sau đó, một số nhà đầu tư khác lại mua vào, đẩy giá vàng đi lên 1.902 USD/ounce rồi rung lắc quanh mức giá này cho đến khi đóng cửa giao dịch lúc 2 giờ ngày 24-10.
Dù cuộc tranh luận cuối cùng của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ không xáo trộn thị trường, USD suy yếu so với nhiều đồng tiền khác nhưng do kinh tế Mỹ đầu quý 4/2020 có dấu hiệu khởi sắc sau khi lĩnh vực dịch vụ được mở rộng, các chỉ số sản xuất trong tháng 10-2020 tăng trưởng khá tốt, nên giới đầu tư kỳ vọng kinh tế Mỹ sớm hồi phục. Từ đó, nhiều người nhận định vàng đang đứng trước tình thế bất lợi nên họ hạn chế nắm giữ kim loại quý này.
Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin các ngân hàng trung ương trên thế giới bán vàng nhằm bù đắp những thiệt hại do Covid-19 gây ra, sau khi đã mạnh tay mua vào hồi quý 3/2020 làm cho giá vàng lập kỷ lục 2.078 USD/ounce vào ngày 7-8.
Có lẽ, thông tin trên đã làm cho dân "chơi" vàng tháo chạy khỏi thị trường trong các phiên giao dịch gần đây, khiến giá vàng liên tục biến động. Đơn cử, trong 3 phiên giao dịch liên tiếp các quỹ đầu tư quốc tế đã bán tổng cộng 14,83 tấn vàng; riêng quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR bán 7,28 tấn.
Tại Việt Nam, trong các ngày vừa qua, giá vàng cũng bị ảnh hưởng theo giá vàng thế giới. Riêng ngày 23-10, giá vàng SJC tăng nhẹ, từ 56,33 triệu đồng lượng lên 56,4 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.
Nguồn: