Mở cửa sáng nay (7/5), giá vàng trong nước đồng loạt giảm khá mạnh, khoảng 100-250 nghìn đồng/lượng so với hôm qua.
Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều mua và 250 nghìn đồng/lượng chiều bán xuống còn 47,8-48,25 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tập đoàn DOJI giảm 100 nghìn đồng/lượng xuống còn 47,78-48,1 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng cũng lao dốc khi đồng USD mạnh lên, chỉ số DXY lại vượt mốc 100 điểm do thị trường lo ngại về tính bền vững trong sức mạnh của tài sản rủi ro trong thời gian gần đây.
Lúc 8h30 (7/5 giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ở mức 1.692 USD/ounce, giảm hơn 10 USD/ounce so với sáng hôm qua. Giá vàng giao tháng 6 đứng ở mức 1.695 USD/ounce, rút ngắn khoảng cách với giá vàng giao ngay.
Trước đó, giá vàng đã được hỗ trợ trong hơn 5 tuần sau khi đạt mức cao nhất trong 8 năm vào đầu tháng 4, tuy nhiên không thể tạo ra mức cao mới mặc dù dòng tiền đầu tư ổn định vào các quỹ giao dịch vàng.
SPDR Gold Trust, quĩ ETF lớn nhất thế giới, đã tăng 0,4% lên 1.076,39 tấn vào thứ Ba (5/5), mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Giá vàng cũng không còn nhận được nhiều lợi thế mặc dù dữ liệu kinh tế củng cố kỳ vọng môi trường lãi suất thấp hoặc âm trong thời gian dài. Giới đầu tư có xu hướng canh mua vàng mỗi khi giá xuống thấp sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump lật lại cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thông qua những số liệu nhập khẩu thấp của Trung Quốc và vụ nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Trong một dự báo gần đây, đại diện quỹ đầu tư VanEck cho rằng, vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD trong 12 tháng tới khi thế giới đang đi vào thời kỳ suy thoái mà chưa biết bao giờ sẽ hồi phục trở lại. Còn CEO của Celsius Network cho rằng, vàng sẽ trở thành kênh trú bão và giá sẽ lên mức cao chưa từng có do việc in tiền với quy mô khổng lồ có nguy cơ gây nên tranh chấp tiền tệ nghiêm trọng.
Nguồn: