Trong tuần này, giá vàng đã giảm khá mạnh từ mức 1.824USD/oz xuống tới mức 1.790USD/oz và đóng cửa ở mức 1.801USD/oz.
Tuy nhiên, tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC gần như chỉ đi ngang từ mức 57,5- 57,6 triệu đồng/lượng với khối lượng giao dịch khá thấp.
Sở dĩ giá vàng quốc tế giảm mạnh là do các nhà đầu tư chốt lời khi USD tiếp tục tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. USD index hiện đã tăng lên mức gần 93 điểm. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất, đặc biệt tại Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 2 thế giới, có xu hướng giảm khi nhiều người dân nước này đã phải bán vàng để trả nợ ngân hàng do làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 2 tàn phá kinh tế.
Đáng chú ý trong tuần, dù lãi suất thực ở Mỹ vẫn âm, trong khi có thời điểm chứng khoán giảm điểm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm, nhưng giá vàng gần như không tăng, thậm chí còn giảm, cho thấy sức hấp dẫn của kim loại quý này trong ngắn hạn đang đi xuống. Điều này có thể sẽ khiến giá vàng tiếp tục giảm sâu hơn khi chứng khoán và lợi suất trái phiếu tăng.
Trong tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED ) sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 29/7. Chắc chắn FED sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%, nhưng có thể sẽ bật tín hiệu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE). Theo dự báo của nhiều chuyên gia, chương trình này có thể sẽ bắt đầu được thu hẹp từ tháng 9 sắp tới.
Cuộc họp của FED vào ngày 29/7 tới sẽ thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà đầu tư.
Nếu FED đưa ra tín hiệu thu hẹp QE, có thể sẽ kéo theo làn sóng bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh, qua đó hỗ trợ tích cực cho USD và gây bất lợi cho giá vàng ngắn hạn.
Ngoài ra, GDP quý 2 của Mỹ cũng là một số liệu kinh tế được giới đầu tư chờ đợi công bố trong tuần tới. Theo dự báo của FED Atlanta, GDP quý 2 của Mỹ tăng trưởng khoảng 7,5% sau khi tăng 6,4% trong quý 1. Nếu số liệu này đúng như dự báo, sẽ hỗ trợ tích cực cho lợi suất trái phiếu, cũng như USD, qua đó tác động tiêu cực đến giá vàng. Ngược lại, nếu GDP quý 2 của Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự kiến và GDP quý 1, thì mối lo ngại tình trạng lạm phát đình đốn của Mỹ (lạm phát tăng mạnh, GDP giảm mạnh) sẽ gia tăng, hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Tuy nhiên, khả năng này là thấp, vì nhiều số liệu kinh tế Mỹ được công bố vừa qua đã cho thấy tín hiệu tích cực hơn.
Ông Daniel Ghali, Chuyên gia phân tích của TD Securities, cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục chịu sức áp giảm trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn vẫn nằm trong kênh tăng giá. Nếu giá vàng tuần tới bị đẩy xuống dưới 1.780USD/oz, thì giá vàng có nguy cơ xuống 1.730USD/oz.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số như ADX, RSI, Stochastic, MACD… vẫn cho thấy tín hiệu điều chỉnh, tích lũy của giá vàng trong ngắn hạn. Nếu giá vàng tuần tới vẫn trụ vững trên 1.729USD/oz (MA100 trên biểu đồ tuần), thì sẽ sớm tăng giá trở lại. Ngược lại, nếu bị đẩy xuống dưới mức này, giá vàng tuần tới sẽ có nguy cơ xuống tới 1.670USD/oz. Mức kháng cự quan trọng đầu tiên vẫn ở 1.835USD/oz, kế tiếp là 1.917USD/oz. Trong khi đó, kênh tăng giá trung và dài hạn của vàng hiện vẫn đang được duy trì. Do đó, tranh thủ nhịp điều chỉnh sâu của giá vàng ngắn hạn để mua vào, vẫn là chiến lược đầu tư được nhiều chuyên gia khuyến nghị.
Nguồn: