Giải ngân vốn ODA 2020: Nhiệm vụ bất khả thi

05/12/2024
Dù đã rất nỗ lực trong những tháng vừa qua, song với việc còn hơn một nửa chặng đường phải "chạy nước rút" trong tháng cuối cùng, hoàn thành 100% kế hoạch vốn của năm 2020 đang là nhiệm vụ bất khả thi.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng năm 2020 đã tăng hơn đáng kể so với 6 tháng đầu năm nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ , Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương.

Ngày 7/12, Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài 11 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, về tổng thể, những thống kê đều cho thấy, kể cả đã điều chỉnh, cắt giảm một lượng lớn vốn ODA so với kế hoạch đầu năm, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% chỉ tiêu là bất khả thi.

CHỈ CÓ 4 ĐỊA PHƯƠNG GIẢI NGÂN ODA ĐẠT TRÊN 70%

Tính đến hết tháng 11, các bộ, ngành đã giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài đạt 6.312 tỷ đồng, đạt 34,65% vốn kế hoạch giao đầu năm và bằng 45,51% kế hoạch đã được điều chỉnh (cắt giảm 4.346 tỷ đồng).

Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, bên cạnh những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao thì vẫn còn một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Cùng với đó, có một số đơn vị cam kết giải ngân lên tới 100% số vốn vay nước ngoài như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường... nhưng đến nay vẫn chậm.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11, tất cả 18 dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới giải ngân được 763 tỷ đồng, đạt 41,7% dự toán.

Trước đó, tại cuộc họp vào giữa tháng 10, đã có 10/12 Bộ, ngành cam kết hoàn thành giải ngân 100% vốn gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ.

Giải ngân vốn ODA 2020: Nhiệm vụ bất khả thi - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến của Bộ Tài chính, điểm cầu ở Hà Nội. Ảnh:VGP

Trong cùng giai đoạn, tình hình giải ngân nguồn đầu tư công của ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương đạt tỷ lệ 41% so với dự toán (đã điều chỉnh). Có 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% (theo dự toán đã điều chỉnh) là Hà Nội, Bình Định, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đối với nguồn Chính phủ cho vay lại các địa phương, tính đến ngày 30/11/2020, số giải ngân đạt tỷ lệ 38% so với dự toán được giao và 41% so với dự toán sau khi trừ số đề nghị hủy.

Về tỷ lệ giải ngân chung bao gồm cả phần ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu và Trung ương cho vay lại là 39,5% dự toán được giao được giao (trong đó, dự toán ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu đã được điều chỉnh).

Giải ngân vốn ODA 2020: Nhiệm vụ bất khả thi - Ảnh 2.

10 địa phương có tiến độ giải ngân tốt nhất (tới 30/9) theo bản công khai số liệu chi tiết về giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài cập nhật định kỳ của Bộ Tài chính (trước thời điểm có sự điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn).

Bên cạnh đó, về giải ngân dự toán vốn đầu tư công năm 2019 kéo dài, Bộ Tài chính cho biết đã giải ngân được 76% dự toán 2019 được chuyển nguồn và kéo sang 2020.

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, hết tháng 11, tình trạng số dư tạm ứng chưa hoàn chứng từ đã giảm mạnh nhờ các giải pháp quản lý sâu sát hơn của các chủ dự án, các Sở Tài chính, Bộ Tài chính.

Cùng với đó, trị giá giải ngân, thanh toán, hoàn chứng từ tăng; thời gian thanh toán vốn, hoàn chứng từ qua các tài khoản tạm ứng được đẩy nhanh (giảm từ 6-7 tháng xuống còn 2-3 tháng).

Điều này giúp tránh tồn đọng vốn lâu, đẩy nhanh công tác hoàn chứng từ, báo cáo chi tiêu, giảm chi phí trả lãi của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và tăng cường minh bạch trong quản lý các nguồn vốn ứng.

Tuy nhiên, theo ông Long, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân trong 2 tháng 10 và 11 có dấu hiệu chậm lại do một số dự án không còn nhiều khối lượng công việc hoàn thành để thanh toán. Thêm vào đó, các tỉnh Miền Trung phải tập trung ứng phó với tình hình thiên tai.

Thực tế, tỷ lệ giải ngân/dự toán vốn đầu tư công 11 tháng là 41%, là mức thấp so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, thời gian còn lại để giải ngân dự toán vốn đầu tư công 2020 chỉ còn chưa đầy 2 tháng.

VẪN LÀ ĐIỆP KHÚC NHỮNG KHÓ KHĂN

Tại cuộc họp cuối cùng của năm về nội dung này, Bộ Tài chính và các địa phương đã tiếp tục nêu lên những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của việc giải ngân còn chậm.

Cụ thể, từ phía các chủ dự án, địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, đàm phán hợp đồng, phân công trách nhiệm chủ đầu tư thiếu rõ ràng.

Việc chậm ký hợp đồng vay lại cũng là một nguyên nhân chủ quan cần được tính đến. Sau khi hiệp định vay được ký kết và có hiệu lực, các chủ dự án tập trung vào công tác lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán… tổ chức đấu thầu thi công để có khối lượng giải ngân nên chưa chú trọng việc hoàn thiện và ký kết các hợp đồng vay lại. Một số dự án Bộ Tài chính phải có công văn đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng cho vay lại

Giải ngân vốn ODA 2020: Nhiệm vụ bất khả thi - Ảnh 3.

Tiến độ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo bản công khai số liệu chi tiết cập nhật định kỳ của Bộ Tài chính (trước thời điểm có sự điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn)

Giải ngân chậm không chỉ nguyên nhân từ các địa phương, ngay cả các cơ quan ở Trung ương cũng có trách nhiệm khi chưa có hướng dẫn rõ đối với nội dung giao dự toán vốn đầu tư công hằng năm và vốn đầu tư công trung hạn.

Cùng với đó là việc giữ lại 10% trong tổng vốn nước ngoài và không giao trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trong khi dự án chỉ còn được giải ngân đến 31/12/2020.

Vẫn chưa rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan chủ trì dự án trong việc tham gia ý kiến về kế hoạch đấu thầu đối với các dự án ô (dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án) mà UBND cấp tỉnh là người quyết định đầu tư.

Về phía quy trình, thủ tục của đối tác phát triển, vẫn chưa rõ quyền hạn, trách nhiệm của bên cho vay trong thiết kế, quản lý thực hiện dự án đầu tư của Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng cho biết, quy trình giải ngân còn phức tạp trong các dự án ô. Một số trường hợp trị giá tạm ứng lớn, thời gian hoàn tạm ứng lâu, hồ sơ chứng từ dồn nhiều khoản, nhiều địa phương.

Việc quản lý vốn tạm ứng về các tài khoản của dự án chưa được thống nhất. Một số trường hợp đối tác phát triển cho rằng dự án chi tiêu không hợp lệ, yêu cầu chủ dự án phải hoàn lại vốn vào tài khoản tạm ứng hoặc hoàn trả, tuy nhiên yêu cầu này không được chuyển chính thức cho đại diện Bên vay.

Việc xử lý đề nghị gia hạn giải ngân còn chậm, một số trường hợp chưa rõ quan điểm của đối tác phát triển.

BỐN MŨI NHỌN ĐỂ GỠ KHÓ

Theo Bộ Tài chính, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công 2020 chỉ còn chưa đầy 2 tháng, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tập trung vào 4 trọng tâm để giải quyết đồng bộ các công việc.

Thứ nhất, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Chủ dự án khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc đã có khối lượng, gửi Kho bạc Nhà nước xác nhận giá trị khối lượng hoàn thành. Sau khi rút vốn, hồ sơ ghi thu ghi chi phải gửi Kho bạc Nhà nước để hoàn thành việc hạch toán trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/01/2021.

Thứ hai, đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân, đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn.

Thứ ba, đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để hoàn tất thủ tục giải ngân ngay sau khi có kết quả kiểm đếm. Đối với vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước, các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại cho Bộ Tài chính.

Cuối cùng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các Nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ cho ý kiến "không phản đối" ở các giai đoạn triển khai dự án, đặc biệt đối với khối lượng công việc hoàn thành cần được chấp thuận của Nhà tài trợ để giải ngân.

Giải ngân vốn đầu tư công hiện là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, để đảm bảo mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra đối với giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của năm 2020 là rất quan trọng.

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vào cuối tháng 6 đặt ra mục tiêu phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Sẽ đánh giá bộ, ngành, địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không dựa trên tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công".

Nguồn: