Như chúng tôi đã thông tin, cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp với các Cục, Vụ liên quan và nhóm các ngân hàng thương mại lớn nhất. Tại cuộc họp, cơ quan quản lý đã yêu cầu các ngân hàng xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, đồng thời giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7 này.
Sáng ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 ngân hàng lớn nhất hệ thống gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank. Cuộc họp ghi nhận nhiều ý kiến của các ngân hàng, trong đó hầu hết đều cho rằng sẽ giảm lãi tuỳ từng đối tượng và chủ yếu là hỗ trợ cho các đối tượng thực sự khó khăn, bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Một số ý kiến cũng cho biết, với các lĩnh vực làm ăn tốt, chẳng hạn bất động sản đang lãi lớn, thì sẽ không giảm lãi suất. Và rằng, việc giảm lãi suất ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng nên sẽ phải xin ý kiến cổ đông.
Sau khi nghe ý kiến của các ngân hàng, đại diện NHNN, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng nhà nước đánh giá cao tinh thần đồng cam cộng khổ của các ngân hàng thương mại với khách hàng, với nền kinh tế giữa lúc đại dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp. Và rằng NHNN cũng biết rằng, quy mô và năng lực mỗi ngân hàng một khác, do đó mức độ hỗ trợ khách hàng là khác nhau, tuy nhiên cơ quan quản lý muốn nhìn thấy những con số hỗ trợ cụ thể để thị trường biết rằng, các ngân hàng đã hỗ trợ cho những nhóm/ngành/lĩnh vực nào, thậm chí là khách hàng nào, để tất cả đều thấy rằng, sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng và thực chất.
Kết quả là, các ngân hàng đã thống nhất giảm lãi suất cho vay, mức độ sẽ cân đối tuỳ từng ngân hàng và thời gian giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Nhìn nhận về động thái mới nhất từ ngành ngân hàng, ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng phòng phân tích công ty Chứng khoán Pinetree cho biết, bối cảnh đi đến giảm lãi suất hiện nay và trước đây rất khác nên sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Cụ thể, thời điểm đầu dịch năm 2020, lãi suất huy động của các ngân hàng đều giảm mạnh trong khi lãi cho vay giảm chưa nhiều, chủ yếu duy trì ở mức 10-11%. Điều này giúp cho NIM của các ngân hàng trong thời kì đó tăng lên, thể hiện qua việc lợi nhuận nhóm ngân hàng tăng trưởng mạnh 2020, cũng như trong báo cáo tài chính bán niên 2021 đã và đang công bố.
Còn hiện tại, trong tình hình tín dụng khởi sắc khi tăng 5,1% tính đến 15/6/2021 và có khoảng 10 ngân hàng thương mại đã xin được nới "room tín dụng". Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên ngưỡng 1,3-1,5%/năm, so với mức 0,5% của năm 2020 thể hiện rằng nguồn cung cho vay không còn dồi dào như trước. Vì thế, việc giảm lãi suất huy động rất khó xảy ra. Trong hoàn cảnh này, nếu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, biên lợi nhuận thời gian tới sẽ giảm và làm suy giảm đà tăng trưởng lợi nhuận đã được thiết lập.
Nhận xét về việc giảm lãi suất này sẽ tích cực với những đối tượng nào, theo ông Nguyễn Duy Thành, nếu các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất cho tất cả các khoản vay hiện hữu thì các ngành duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ hưởng lợi. Hiện có 3 khu vực kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của toàn nền kinh tế gồm: Xuất khẩu (+9%), công nghiệp hỗ trợ (+ 6,94%) và Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (14,5%). Cụ thể hơn, các doanh nghiệp có đầu ra ổn định và đang đầu tư mở rộng năng lực sản xuất sẽ tận dụng tốt cơ hội này. Tuy nhiên, như ý kiến các ngân hàng đã đưa ra trong ngày 12/7, thị trường vẫn phải chờ thêm quyết định cụ thể của các ngân hàng mới xác định chính xác được đối tượng nào được hưởng lợi nhất.
Nhìn chung, theo chuyên gia phân tích của Pinetree, việc giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến toàn nền kinh tế, giảm gánh nặng chi phí cho bộ phận doanh nghiệp. Song ông lưu ý nhóm SME vốn dĩ không có nhiều tiềm lực tài chính để duy trì, việc huy động các nguồn tài chính mới để tồn tại qua dịch bệnh rất khó khăn vì không đủ điều kiện cho vay. Chuyên gia khuyến nghị nhóm này cần được những biện pháp hỗ trợ trực tiếp hơn để hạn chế thiệt hại xấu nhất.
Nguồn: