Giảm lãi suất điều hành: Nửa mừng, nửa lo

22/11/2024
“Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã gạn phần dư địa có thể là cuối cùng cho lần cắt giảm này”.

"Nếu kiểm soát tốt lạm phát 2020, Chính phủ sẽ có thêm dư địa thực hiện nới lỏng tiền tệ và tài khóa (một cách thận trọng) để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng đạt mục tiêu kỳ vọng của Thủ tướng là trên 5%", lần cắt giảm lãi suất bắt đầu từ hôm nay (13/5) đã gián tiếp được một tổ chức dự tính trong bản tin của họ hồi đầu tháng.

Yếu tố lạm phát được nhấn mạnh, vì ba tháng liên tiếp chỉ số CPI của Việt Nam giảm sâu, tính đến tháng 4/2020. Phía trước, nền lạm phát cao trong năm 2019 cũng là một tham chiếu thuận lợi cho mục tiêu kiểm soát năm nay.

Nhưng, quyết định hạ đồng loạt các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này cũng có hai phần: nửa mừng, nửa lo.

Trả lời BizLIVE, một thành viên trong nhóm tác giả của báo cáo trên cho rằng: "Lần hạ lãi suất này thể hiện quan điểm quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trước ảnh hưởng của Covid-19. Quyết định lần này thuận theo xu hướng nới lỏng tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới và nhân cơ hội thị trường tiền tệ (cả nội lẫn ngoại) đang ổn".

Phân tích cụ thể hơn, quan điểm trên nhìn nhận về tổng quan, đây là giải pháp hướng tới hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như giảm khó khăn áp lực cho chính các tổ chức tín dụng ở chi phí nguồn vốn.

Mặt khác, một điểm lợi nữa, quyết định hạ tiếp các lãi suất điều hành sẽ thúc đẩy vòng quay tiền tệ nhanh hơn lên; người dân và doanh nghiệp có thêm điều kiện tích cực đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng. Điều này cũng trở nên ý nghĩa hơn khi nền kinh tế vừa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội, tìm lại guồng quay sản xuất kinh doanh để có thể dần bình thường.

Tuy nhiên, có những thực tế khác được chú ý ở quyết định giảm lãi suất điều hành lần này.

"Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã gạn phần dư địa có thể là cuối cùng cho lần cắt giảm này", chuyên gia trên đặt vấn đề.

Thứ nhất, trong các lãi suất vừa giảm, trần lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn (dưới 6 tháng) trở nên khá nhạy cảm.

Một mặt, trần lãi suất này tiếp tục hạ xuống, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng. Hiện tỷ trọng tiền gửi ngắn hạn loại này chiếm khoảng 60-70% tổng tiền gửi tại nhiều ngân hàng thương mại, nên chi phí giảm bớt ở đây là đáng kể.

Tuy nhiên, yếu tố nhạy cảm ở đây liên quan đến một nhóm lợi ích là người gửi tiết kiệm. Điểm này có một thực tế thể hiện từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống có dấu hiệu rất chậm.

Dù vậy, với cơ chế trần lãi suất tiền gửi chỉ áp một phần, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên các tổ chức tín dụng được thỏa thuận với người gửi tiền. Cánh cửa này tạo điều kiện để cân đối nguồn, cũng như cân đối cơ cấu kỳ hạn vốn huy động theo hướng bền vững hơn.

Thứ hai, cũng liên quan đến trần lãi suất, một điểm khác trong đợt cắt giảm này là trần lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 5,5% xuống 5%/năm.

"Thước đo cho hiệu quả cuối cùng là ngành ngân hàng tăng trưởng được tín dụng bao nhiêu. Hay nói cách khác, động lực cho vay ở đây thế nào khi trần lãi suất cho vay hạ xuống, cũng như khả năng doanh nghiệp ở các lĩnh vực đó tiếp cận được. Có thể với một mức lãi suất mở hơn thì họ có cơ hội và điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn. Đây là một thực tế cần xét đến", chuyên gia mà BizLIVE tham vấn nêu góc nhìn.

Với những nhìn nhận trên, sau quyết định hạ các lãi suất điều hành lần này, một mặt chi phí của một cấu phần nền kinh tế được giảm thiểu và hỗ trợ, tạo động lực cùng vượt qua khó khăn bởi Covid-19; nhưng mặt khác, dư địa của chính sách tiền tệ trở nên cạn kiệt hơn cho triển vọng tiếp tục giảm được lãi suất nữa hay không, với một số giới hạn nhạy cảm nói trên.

Nguồn: