Doanh nghiệp còn rất khó
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 8 tháng năm 2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 34.300 DN, tăng tới 70,8% so với cùng kỳ năm trước; 24.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 10.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể…
Các DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung ở các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữ ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo…
Bức tranh về số lượng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước phản ánh tác động nặng nề của đại dịch.
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, do dịch bệnh khiến tiêu dùng phục hồi chậm và hoạt động xuất khẩu khó tăng nên tiếp tục tạo nhiều thách thức cho khu vực DN. Thống kê về số lượng DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của các DN.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ DN và nền kinh tế sớm phục hồi sau giai đoạn dịch Covid-19.
Tại Văn bản số 5596 /NHNN-VP gửi các đơn vị trực thuộc; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc NHNN yêu cầu tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hiện các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay… để hỗ trợ DN. Đơn cử, như tại Nam A Bank, ngân hàng đã và đang thực hiện đầy đủ Thông tư 01/2020 của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng. Từ đầu năm đến nay, Nam A Bank đã giảm lãi suất, cơ cấu nợ, cho vay ưu đãi qua hàng loạt gói ưu đãi lãi suất cho vay như: Chương trình Happy Finance; Happy Teacher-Happy Doctor; Happy Farmer, gói ưu đãi "Nam A Bank chung tay khắc phục Covid-19"…
Kéo lãi suất đầu vào để hạ thêm lãi vay
Xu hướng giảm lãi suất huy động để có điều kiện, cơ sở hạ thêm lãi suất cho vay nhằm đồng hành cùng DN cũng được một số ngân hàng thương mại triển khai.
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng cho thấy lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh ở một số NH. Trong đó, 4 NH thương mại nhà nước đã giảm 0,3-0,4 điểm % ở các kỳ hạn 6-12 tháng, một số NH cổ phần khác giảm thêm 0,2 điểm % ở các kỳ hạn.
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng (hình minh họa)
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận thời gian qua, các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm phổ biến khoảng 0,15-0,55 điểm %, khối ngân hàng cổ phần giảm khoảng 0,11-0,48 điểm %, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm mạnh nhất tới 0,61 điểm % trong giai đoạn thống kê từ ngày 16-7 đến 15-8.
Như tại Nam A Bank, từ đầu năm đến tháng 6/2020, ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh giảm 5 lần lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid -19. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2020, ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.
Trong biểu lãi suất mới nhất, lãi suất tiền gửi tại quầy các kỳ hạn dưới 6 tháng ở Nam A Bank còn 3,95%/năm, kỳ hạn dài từ 18-36 tháng là 7,2%/năm. Huy động vốn của Nam A Bank trong 8 tháng qua tăng khoảng 22%, dư nợ tín dụng cũng tăng tốt sau khi được NHNN nới hạn mức tín dụng.
Một lãnh đạo nhà băng cho biết, thời gian qua nhiều ngân hàng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm để phù hợp với xu hướng chung trên thị trường. Việc lãi suất đi xuống nhưng huy động vốn của các ngân hàng thương mại vẫn tăng trưởng tốt, thanh khoản của hệ thống dồi dào… là cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Mới đây, NHNN đã chính thức cho phép các tổ chức tín dụng giãn lộ trình siết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhằm góp phần hỗ trợ các ngân hàng có thêm nguồn vốn trung dài hạn lãi suất thấp để cho vay, giúp DN khôi phục sản xuất, kinh doanh sau giai đoạn dịch Covid-19.
Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, phân tích lãi suất huy động đang ở vùng rất thấp và tiếp tục xu hướng giảm. Khi lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được lùi lại 1 năm, các ngân hàng sẽ có điều kiện giảm lãi vay trung dài hạn. Như tại Nam A Bank đang có chính sách điều chỉnh giảm thêm lãi vay trung dài hạn với một số nhóm đối tượng khách hàng.
Nguồn: