Giữ ổn định lãi suất cho vay

15/12/2024
Dù thời gian gần đây, lãi suất huy động liên tục nhích lên nhưng mặt bằng lãi suất cho vay được nhận định sẽ tiếp tục ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nhanh

Từ cuối tháng 4-2022 đến nay, một số ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Lãi suất đầu vào liên tục được điều chỉnh, dù mức tăng không quá lớn nhưng đã chấm dứt chuỗi giảm của lãi suất gửi tiết kiệm trong khoảng 2 năm qua.

Lãi suất nhích lên khi tín dụng tăng nhanh

Nhiều NH thương mại như NH TMCP Quân đội (MB), NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NH TMCP Á Châu (ACB)… đã điều chỉnh tăng lãi suất gửi tiết kiệm thêm 0,1 - 0,4 điểm % tùy từng kỳ hạn. Một số NH khác tăng lãi suất ở kênh gửi tiết kiệm online.

Hiện mức lãi suất tiền gửi khoảng 7%/năm cũng được ghi nhận nhiều hơn ở các NH thương mại. NH TMCP Sài Gòn (SCB) đang áp dụng lãi suất gửi online lên tới 7,35%/năm cho các kỳ hạn từ 18 - 36 tháng. Tại NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), lãi suất tiền gửi online cao nhất lên tới 7,4%/tháng khi khách hàng gửi tiết kiệm từ 16-36 tháng…

Theo báo cáo cập nhật vĩ mô vừa công bố của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4-2022, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm %, lên 5,66%/năm. Diễn biến này đã khiến lãi suất huy động tăng so với cùng kỳ năm ngoái, sau hơn 2 năm liên tục giảm.

 Giữ ổn định lãi suất cho vay  - Ảnh 1.

Các ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất nhằm ổn định thị trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong khi đó, theo thông tin tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2022, NH Nhà nước thông báo tín dụng tính đến ngày 25-4 tăng 6,75% so với cuối năm 2021. Công ty Chứng khoán SSI nhận định tín dụng cải thiện kéo theo mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư và doanh nghiệp tăng theo. Trong những tuần gần đây, một số NH tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở cả 2 khu vực cá nhân và doanh nghiệp, với mức tăng thêm 0,1 - 0,2 điểm %.

Đại diện Nam A Bank cho biết lãi suất huy động tăng lên trong bối cảnh dự báo và áp lực lạm phát tăng, dòng vốn bị ảnh hưởng từ việc siết trái phiếu doanh nghiệp của cơ quan quản lý. Thị trường chứng khoán, bất động sản đang biến động mạnh, khả năng sinh lời thấp cũng khiến dòng tiền chảy vào NH dồi dào hơn.

Hỗ trợ nền kinh tế

Theo quan sát của chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, lãi suất huy động đã được điều chỉnh nhích lên trong khoảng 3 tháng gần đây. Lãi suất huy động tăng sẽ tác động tới lãi suất cho vay nhưng khả năng sẽ khó tăng mạnh do NH Nhà nước đang thực hiện tốt việc kiểm soát lãi vay. Chủ trương của NH Nhà nước là yêu cầu các NH cố gắng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1 điểm % trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh sau đại dịch.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định lãi suất đầu vào gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, trong khi người dân muốn dịch chuyển kênh đầu tư khiến nhiều NH phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi từ dân cư và cả doanh nghiệp. "Dù vậy, lãi suất cho vay sẽ khó tăng bởi ngành NH phải hỗ trợ nền kinh tế theo các chương trình phục hồi mà Quốc hội và Chính phủ đã ban hành" - ông Lực nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho hay theo quan sát, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có thể giảm từ 0,2 - 0,4 điểm %, tùy tình hình từng doanh nghiệp và mức giảm có thể đến 0,5 điểm %. Trong khi đó, lãi suất huy động tăng khoảng 0,2 điểm %.

"Lãi suất huy động tăng nhưng NH vẫn phải phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh cạnh tranh giữa các NH. OCB cũng phải chấp nhận "cuộc chơi" này. Chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất cho khách hàng trên cơ sở tiết giảm các chi phí vốn và đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào khác nhau để có chi phí thấp" - ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, tính đến cuối tháng 4-2022, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt trên 3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 7% so với cuối năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua, chủ yếu do nhu cầu vốn cho phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tăng, kinh tế TP HCM phục hồi nhanh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và giữ ổn định giá cả.

Vốn vẫn chảy vào sản xuất - kinh doanh

Theo các chuyên gia phân tích của BVSC, với những áp lực từ lạm phát và nhu cầu tín dụng tăng cao trong quá trình phục hồi nền kinh tế, lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng lãi suất sẽ chưa quá lớn trong năm nay để có thể hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.

Thực tế, tín dụng vẫn duy trì đà mở rộng dù Chính phủ và NH Nhà nước gần đây có những động thái cứng rắn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Công ty Chứng khoán SSI cho rằng đây là tín hiệu tích cực, cho thấy dòng vốn tín dụng thực sự chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14% - 15% trong năm nay.

Nguồn: