Gỡ lỗ hổng bảo mật ngân hàng bằng quản lý dữ liệu thông minh

15/01/2025
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, quản lý dữ liệu thông minh là xu hướng không thể đảo ngược trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Việc này đòi hỏi đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật, quản trị thông minh để bảo vệ quyền lợi, đem lại lợi ích cho các bên liên quan.

Tại Hội thảo "Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính”, do NHNN chủ trì hôm 29/9 tại Hà Nội, theo đánh giá của tổ chức Gartner, dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục Bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu như những tài sản của tổ chức. Chính vì vậy, việc ý thức rằng dữ liệu là tài sản chiến lược, có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh, cần phải được quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ. 

Theo khảo sát tháng 9/2020 của NHNN Việt Nam, 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,...

Khẳng định xu thế ngân hàng số phải hướng đến ngân hàng mở, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin, theo khảo sát của PwC Việt Nam năm 2019, 88% các ngân hàng đồng ý quản trị dữ liệu là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích. Tuy nhiên, chỉ 18% đã xây dựng kiến trúc công nghệ.

“Tại Việt Nam mặc dù chưa có khuôn khổ pháp lý về ngân hàng mở, nhưng thực tế đã có ngân hàng đã mở API để kết nối với các công ty trung gian thanh toán, thương mại điện tử, … Các API hiện nay mới chỉ là các kết nối song phương giữa ngân hàng và các đơn vị, chưa có một tiêu chuẩn chung thống nhất”, ông Dũng nhận định.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra, hạn chế trong quản trị dữ liệu tại NHTM Việt Nam đến từ nhiều yếu tố, trong đó có rủi ro an toàn thông tin. Theo E&Y, Việt Nam xếp hạng 7 toàn cầu trong mục tiêu tấn công của Trojan (chương trình độc hại). 

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính chưa xây dựng được “văn hóa” quản trị dữ liệu, khi phần lớn dữ liệu của ngân hàng còn phân tán, nhiều thông tin rác, kém chất lượng. Ông Lực đánh giá, Việt Nam hiện còn thiếu nhân lực về quản lý dữ liệu, chưa thu hút được nhân lực trong ngành này vì nhiều lý do như thu nhập môi trường làm việc. Ngành tài chính - ngân hàng không còn là điểm đến ưa thích của nhân lực có chuyên môn về công nghệ.

Từ thực trạng trên, TS Cấn Văn Lực đề xuất Chính Phủ Chính phủ, các bộ, ngành, NHNN quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và “thông minh, cùng chính sách, quy định an toàn bảo mật thông tin, an ninh mạng. Với các NHTM, ông Lực gợi ý thiết lập hệ thống kho dữ liệu chuyên biệt (điện toán đám mây), ứng dụng công nghệ khai thác dữ liệu tăng chất lượng nhân sự CNTT (bao gồm cả quản lý rủi ro công nghệ, an ninh mạng…).

Nguồn: