Ngày 20/11, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) thông báo tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, GPBank chào đón các nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật khác gửi phương án cơ cấu về ngân hàng trước 16h ngày 16/12.
GPBank là một trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu vào năm 2012. Nhà băng này là trường hợp thứ ba được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, sau Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Ngân hàng Đại dương (Oceanbank).
Trong báo cáo gửi Quốc hội vào giữa tháng 10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ba ngân hàng "0 đồng" đã tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có nguyện vọng tham gia quá trình cơ cấu lại.
Hơn ba năm trở lại đây, ngân hàng không công bố bất kỳ số liệu cụ thể nào về hoạt động kinh doanh. Lần gần nhất GPBank cập nhật là cuối 2015, huy động vốn của ngân hàng đạt hơn 20.900 tỷ đồng, tăng 30% so với trước khi Ngân hàng Nhà nước mua lại. Trong năm 2015, GPBank thu hồi được 600 tỷ đồng nợ quá hạn. Lỗ bình quân của ngân hàng từ tháng 7/2015 đến cuối năm 2015 giảm 38% so với trước khi được mua lại.
Còn theo Kiểm toán Nhà nước, việc thu hồi nợ xấu tại GPBank cũng như các ngân hàng "0 đồng" gặp khó khăn. Năm 2016, GPBank thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt gần 15% kế hoạch. Tính toán của kiểm toán cho biết, ngân hàng này chỉ có khả năng thu hồi được 866 tỷ đồng, tương đương 31,53% tổng nợ xấu hiện có.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại Oceanbank. Đối với VNCB, cơ quan này đang lấy ý kiến dự thảo phương án tái cơ cấu.
Quỳnh Trang