Kể từ ngày 13/5 vừa qua, với trần lãi suất mới, các ngân hàng đã đồng loạt đưa lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ mức cao nhất là 4,75% xuống khoảng 4 - 4,25%/năm.
Trong khi đó, với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, dựa theo biểu lãi suất được công bố công khai trên website của 32 ngân hàng thương mại mà chúng tôi thực hiện khảo sát, tính đến ngày 24/5, có khá nhiều nhà băng niêm yết lãi suất huy động VND tại quầy vượt trên 7%/năm, thậm chí có nơi vọt tăng lên đến 9,2%/năm - mức lãi suất được ghi nhận là cao nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, có khoảng 20 ngân hàng áp dụng lãi suất từ 6,1 - 6,9%/năm, có thể kể đến như: HDBank, Nam A Bank, PVcomBank và ABBank (đều 6,8%/năm); BAOVIET Bank (6,82%/năm); Viet Capital Bank và SCB (đều 6,9%/năm). Mức cao trên 7%/năm được niêm yết tại 5 nhà băng, bao gồm: DongA Bank (7,0%); Bac A Bank (7,2%); NCB (7,5%); CBBank - một trong ba ngân hàng bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng - áp dụng mức lãi suất 7,75%/năm mà không kèm bất cứ điều kiện gì; SHB dẫn đầu với 7,8%/năm áp dụng cho các khoản gửi trên 500 tỷ, dưới 2 tỷ lãi suất 6,5%/năm.
Đối với các kỳ hạn 7 và 8 tháng, hầu hết các ngân hàng giữ nguyên lãi suất so với kỳ 6 tháng, một số ít điều chỉnh tăng từ 0,5 - 2 điểm phần trăm. Chẳng hạn, ở Viet Capital Bank, lãi suất 8 tháng là 7,1%/năm, tăng 2 điểm phần trăm so với kỳ 6 tháng; tương tự, lãi suất kỳ hạn 7 và 8 tháng ở DongA Bank cũng tăng 1 điểm phần trăm, ở mức 7,1%/năm. Trong khi đó, tại OceanBank, lãi suất 2 kỳ hạn này lần lượt chỉ là 5,55% và 5,65%/năm, giảm 0,4 - 0,5%/năm so với mức 6,05% của kỳ 6 tháng.
Ở kỳ hạn 9 tháng, CBBank hiện đang là ngân hàng chi trả lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất với 7,75%/năm; đứng thứ hai là NCB với 7,45%/năm. Góp mặt trong nhóm ngân hàng chi trả lãi cao ở kỳ hạn này còn có Vietbank, ABBank, PVcomBank, Viet Capital Bank, DongA Bank và Bac A Bank với lãi suất trong khoảng từ 7,0 - 7,35%/năm.
Ở kỳ 12 tháng, đối với các khoản gửi dưới 1 tỷ đồng, mức chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng bắt đầu được nới rộng hơn, lên đến 2,5%/năm. Trong khi Techcombank có mức lãi suất thấp nhất, chỉ từ 5,5 - 6,1%/năm, thì lãi suất tại NCB lên tới 8% hay tại BAOVIET Bank là 7,92%; CBBank và Nam A Bank thấp hơn một chút với 7,8%/năm. Ngoài ra, còn một số ngân hàng khác cũng giữ mức lãi suất trong top cao như Bac A Bank, ABBank (7,6%), VIB (7,59%), SCB (7,5%) hay PVcombank (7,44%), DongA Bank (7,4%), HDBank (7,3%), ...
Với kỳ hạn 13 tháng, phần lớn lãi suất dao động trong khoảng từ 7,0 - 7,6%/năm. Nhóm ngân hàng có mức lãi suất trên 7,8%/năm gồm NCB (8,1%); Vietbank (8%); BAOVIET Bank (7,95%), Sacombank (7,9%) và CBBank (7,85%).
Đáng chú ý, một vài ngân hàng đưa ra mức lãi suất vượt trội hơn hẳn ở 2 kỳ hạn 12 và 13 tháng cho khách hàng gửi tiền với số lượng lớn. Cụ thể, với số tiền từ 500 tỷ đồng, SHB sẽ áp dụng mức lãi suất cho khách hàng ở kỳ 12 tháng là 8,9%/năm và kỳ 13 tháng là 9,2%/năm. Cùng với SHB, Viet Capital Bank và ABBank cũng có chính sách tương tự, với cùng điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng, mức lãi suất lần lượt là 8,5% và 8,3%/năm.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, hầu hết những ngân hàng niêm yết lãi suất cao đều yêu cầu số tiền gửi tối thiểu tới hàng trăm tỷ đồng. Để nhận được những mức lãi suất "cao ngất ngưởng" này là điều không dễ dàng bởi trên thực tế, có rất ít khách hàng có khoản tiền hàng trăm tỷ đồng nhàn rỗi trong thời gian dài.
Với kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, đa số các ngân hàng duy trì lãi suất ngang bằng hoặc thấp hơn so với các kỳ hạn dưới 24 tháng nhưng hầu như không dưới 7%/năm. Trong đó, Eximbank dẫn đầu với mức chi trả 8,4%/năm cho khoản tiền gửi 24 tháng; theo sau là NCB với 8,1%/năm, CBBank với 7,9%/năm và ABBank với 7,8%/năm cho cùng kỳ hạn 24 và 36 tháng.
Nguồn: