Giao dịch online tiếp tục tăng mạnh
Sự tiện lợi trong giao dịch trực tuyến thúc đẩy khách hàng từng bước thay đổi những thói quen sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng truyền thống.
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 435,25 triệu giao dịch với giá trị gần 22,8 triệu tỷ đồng; tăng tương ứng 54,1% về số lượng và 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt tới xấp xỉ 1.194 triệu giao dịch với giá trị hơn 13,5 triệu tỷ đồng; tăng tương ứng 75% về số lượng và 93,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong giai đoạn 2019 – 2020, thanh toán online cũng đã tăng trưởng với tốc độ trên dưới 100%.
Trong cuộc đua số hóa, những ngân hàng dự đoán chính xác được xu hướng và đi sớm một bước, đến nay đã có thể "ung dung" hái quả ngọt.
OCB là một ví dụ điển hình, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào các giải pháp và dịch vụ cũng như tạo ra nhiều sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ số từ vài năm trước, nên trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 ngân hàng này đã hái nhiều quả ngọt. Riêng trong 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng ghi nhận 3.768 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của OCB duy trì ở mức cao ngay trong mùa dịch là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR), khi tỷ lệ này giảm từ mức 31,9% của cùng kỳ năm trước xuống mức 29,1% vào cuối quý III năm nay. Đồng thời, thanh toán online bùng nổ, đặc biệt sau khi OCB triển khai định danh điện tử (eKYC), tỷ lệ giao dịch online từ đầu năm đến nay tăng tới 269%, tương đương gấp gần 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượng khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng OCB OMNI đạt hơn 1 triệu người.
Theo chia sẻ của lãnh đạo OCB, việc tăng cường áp dụng số hóa đã giúp Ngân hàng giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, từ đó góp phần làm giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu trong 3 quý đầu năm nay tiếp tục giảm so với cùng kỳ, bất chấp khó khăn do đại dịch. Trong năm 2021, tổng giá trị đầu tư cho chiến lược số hóa của OCB vào khoảng 1 triệu USD với dự án nâng cấp hệ thống core banking vận hành vào cuối năm.
Cạnh tranh hút khách
Giới phân tích nhận định, đến năm 2025, các khách hàng số sẽ chi phối thị trường. Họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau và đều có kỳ vọng cao hơn về sản phẩm, dịch vụ tài chính. Vì vậy, các nhà băng cần chuyển đổi từ tập trung vào sản phẩm sang lấy khách hàng làm trọng tâm, nâng cao trải nghiệm người dùng.
Theo khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước từ cuối năm 2020 đã cho thấy có đến 96% ngân hàng xây dựng chiến lược phát triển dựa trên công nghệ 4.0 và 92% phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và di động. Đến nay, hầu hết ngân hàng đã số hóa dịch vụ thanh toán, nhờ đó, giao dịch chuyển tiền, thanh toán hóa đơn trên ngân hàng số ngày càng tiện lợi, phổ biến với người dùng.
Giao dịch trực tuyến giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể chi phí với ưu đãi hấp dẫn, đồng thời đây cũng là dịch vụ được ngân hàng chú trọng thúc đẩy để hút khách mới và giữ chân khách cũ, cũng là một trong những động lực đẩy tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ở các nhà băng. Trong thời gian qua, CASA ở các ngân hàng có dịch vụ trực tuyến tốt và phí dịch vụ hấp dẫn đều tăng trưởng mạnh, điển hình như Techcombank, MB, OCB, HDBank, VIB... và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng tiền gửi. CASA cao giúp ngân hàng giảm chi phí vốn và gia tăng lợi nhuận.
Thúc đẩy thanh toán online ngoài lợi ích trên còn thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Bởi vậy, các nhà băng bên cạnh tập trung vào chất lượng dịch vụ và sự tiện lợi, còn khuyến khích người dùng dịch vụ ngân hàng online bằng các chương trình khuyến mãi để hút khách. Đơn cử, từ nay cho đến 31/12, khách hàng cá nhân của OCB lần đầu đăng ký sử dụng dịch vụ trả hóa đơn tự động (điện, nước, Internet, truyền hình) qua OCB OMNI, duy trì thanh toán tự động 3 kỳ liên tiếp sẽ được hoàn tiền. Cụ thể, Ngân hàng hoàn 5% mỗi giá trị hóa đơn cho lần thanh toán đầu tiên; 10% cho lần thứ hai và 15% cho lần thứ ba. Số tiền được hoàn tự động sau khi hoàn tất giao dịch, tối đa 150.000 đồng/ khách hàng. Chương trình áp dụng cho 3.000 người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán hóa đơn tự động từ OCB OMNI sớm nhất.
Bên cạnh đó, tại OCB OMNI trên app hoặc website, người dùng có thể nhập mã hóa đơn và thiết lập tính năng thanh toán tự động để tránh trễ thời hạn. Toàn bộ lịch sử thanh toán hoá đơn tự động được lưu trữ trên ứng dụng để khách hàng kiếm tra.
"Ngoài các tiện ích trên, chúng tôi thường xuyên triển khai nhiều ưu đãi, giúp người dùng tiết kiệm không ít chi phí sinh hoạt hàng tháng, đặc biệt trong giai đoạn ảnh hưởng do Covid-19 như hiện nay", đại diện OCB cho biết.
Người dùng được trải nghiệm nhiều dịch vụ như miễn phí đăng ký, quản lý, Internet banking, SMS, chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, chuyển tiền quốc tế hay thực hiện gửi tiết kiệm với lãi suất ưu đãi. Người dùng có thể đổi điểm OMNI coin thành tiền mặt hoặc quà tặng, được hoàn tiền không giới hạn khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện/nước online hoặc nạp điện thoại...
"Số hóa ngân hàng với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, Ngân hàng số OCB OMNI tiếp tục mang đến trải nghiệm khác biệt qua sự tiện dụng, tốc độ, an toàn và đáp ứng đa dạng nhu cầu tài chính. Chúng tôi nỗ lực xây dựng ngân hàng tự phục vụ với phần lớn sản phẩm được số hóa, từ mở tài khoản, tiết kiệm, thẻ đến đầu tư quỹ mở, chứng khoán, chuyển tiền quốc tế… Ngân hàng cũng phục vụ nhu cầu thanh toán mua sắm, du lịch, giải trí, loyalty (khách hàng trung thành) cùng tiện ích đăng ký/sử dụng/thay đổi dịch vụ Ngân hàng OCB OMNI trực tuyến", đại diện OCB chia sẻ thêm.
Nguồn: