Hạn chế giao dịch tiền mặt đề phòng virus Corona

16/11/2024
Với thói quen sử dụng tiền mặt lên tới 90% như hiện nay, nguy cơ lây nhiễm virus Corona qua giao dịch mua bán là hiện hữu. Ngành Ngân hàng đang phối hợp tìm các biện pháp để hạn chế giao dịch tiền mặt, tránh tình trạng lây nhiễm dịch bệnh.

Chủ trương không dùng tiền mặt đã được Chính phủ và toàn ngành ngân hàng đẩy mạnh từ lâu, song do tập quán, thói quen, và cả những hạn chế về cơ sở hạ tầng, niềm tin của người tiêu dùng… khiến cho chính sách này vẫn chưa đi sâu vào trong nhân dân.

Song, về vấn đề vệ sinh, nhiều nghiên cứu cho thấy, tiền mặt tiềm ẩn nhiều vi khuẩn có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho người. Theo số liệu mới đây của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các chuyên gia đã đếm lượng vi khuẩn và cho kết quả, trong một gam tiền giấy có tới 210 triệu vi khuẩn hiếm khí và 32.000 vi khuẩn gram âm.

Hạn chế giao dịch tiền mặt đề phòng virus Corona - Ảnh 1.

Ngân hàng tìm các biện pháp hạn chế giao dịch tiền mặt để phòng chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi virus Corona gây ra được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, nói về rủi ro lây bệnh qua giao dịch tiền mặt, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam nhưng lại chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt, hơn nữa việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch. Do đó, để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông. 

Bởi vậy, trong bối cảnh đại dịch virus Corona đang bùng phát như hiện nay, dù chưa có trường hợp nào chứng minh việc lây nhiễm nCoV qua đường giao dịch tiền mặt, song nguy cơ thực tế là có, bởi vậy, vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt lại càng được chú ý hơn.

"Số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các ngân hàng sẽ tạm thời để lưu trong khu vực cách ly với thời gian đủ lâu và đưa vào sử dụng ở thời điểm thích hợp, vẫn bảo đảm an toàn khi giao dịch", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN vẫn nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân, đồng thời vẫn cần mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến (online) và giao Vụ Thanh toán của NHNN nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung. Ngoài ra, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khuyến cáo người dân hạn chế dùng tiền mặt, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan nCoV.

Từ phía mình, các ngân hàng thương mại cũng chủ động đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, SHB coi đây là cơ hội đẩy mạnh các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến (online).

Tương tự, cũng để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, một số ngân hàng miễn 100% phí thanh toán cho khách hàng khi giao dịch điện tử như HDBank, SeABank…

Ngân hàng Nam Á có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.

(**Xem thêm các thông tin về Doanh nghiệp hành động chống virus corona tại đây)

TPBank cũng khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, về mặt công nghệ, khi đẩy mạnh ngân hàng tự động, dùng Internet Banking cũng giúp giảm thiểu chuyện lây lan, hạn chế việc tiếp xúc đông người, hạn chế việc tiếp xúc vật lý với những nguồn lây nhiễm virus.

Bên cạnh các ngân hàng, một số ví điện tử như MoMo cũng khuyến cáo khách hàng hạn chế sử dụng tiền mặt, ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống dịch virus Corona.

Hiện NHNN cũng đang triển khai các giải pháp đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định hiện hành.

Mặt khác, phối hợp với các Sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định. NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

NHNN cho biết hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

 - Ảnh 1.

Nguồn: