Theo nguồn tin của Người Đồng Hành, một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay. Cụ thể thì hạn mức cho một số ngân hàng TMCP Nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank dao động 8,5-10% và với một số ngân hàng TMCP tư nhân quy mô lớn khoảng 11-13%.
Một nguồn tin từ Techcombank xác nhận ngân hàng này được giao 13% cho năm 2020, bằng với hạn mức ban đầu được cấp của 2019. BIDV cũng cho biết định hướng năm nay là tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch của NHNN, hiện được giao 9%, thấp hơn so với 12% của 2019. Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng quốc doanh, ngân hàng ông được giao chỉ tiêu nhiều hơn 2019 và và đây chỉ là mức sơ bộ, có thể được điều chỉnh tùy tình hình thực tế.
Đầu năm 2019, hạn mức tín dụng cấp cho một số ngân hàng cổ phần cũng dao động 12-13%: ACB được 13%, VPBank 12%, Techcombank 13%, MB 13%… Đến cuối năm, con số được nới lên tương đối: ACB lên 17%, VPBank lên 16%, Techcombank lên 17%, MB lên 17%.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết thêm năm nay chỉ tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành khoảng 14%. Do đó, hạn mức lần đầu NHNN giao cho các bên là “khá thấp”. Tuy vậy, vị này nói thêm trong bối cảnh hiện tại khi mà dịch Covid-19 đang xảy ra và chính sách tín dụng chung là tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên thì bản thân ngân hàng cũng khá thận trọng với các mục tiêu tăng trưởng trong đó có tín dụng.
Tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo sẽ không dễ dàng. Ảnh minh họa: Liên Hương.
Với hạn mức vừa được giao cho các ngân hàng, lãnh đạo Vụ Tín dụng cho biết đó cũng là "những con số ban đầu", sau đó căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh, nhất là khi mà dịch viêm phổi do virus corona chủng mới đang diễn ra khá phức tạp như hiện nay. Ông cho rằng không nên bàn hạn mức đó là cao hay thấp mà phải xem xét các yếu tố khác như thực trạng ra sao, nếu tăng tín dụng thì các ngân hàng sẽ tăng thế nào.
Chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết thông thường hạn mức tín dụng sẽ được NHNN cấp đợt đầu năm và thường thì các ngân hàng căn cứ vào đây để xây dựng mục tiêu kinh doanh. Căn cứ để áp hạn mức là khả năng huy động vốn, thực lực, mức độ đầu tư vào từng lĩnh vực, cân đối yếu tố rủi ro… của từng ngân hàng. Sau đó, khoảng 6-9 tháng, cơ quan điều hành lại xem xét để điều chỉnh phù hợp.
Khi cấp hạn mức tín dụng cho các bên, cơ quan điều hành cũng phải tính toán để làm sao trong những tình huống quan trọng vẫn có dư địa chứ không phải cấp thẳng một lần rồi thôi. “Ngân hàng mà tăng trưởng được thì tốt quá. Nhưng thực tế là doanh nghiệp đã bước đầu đối diện với khó khăn về nguyên liệu, xuất khẩu nên giả sử có được cho hạn mức cao mà các bên lại không cho vay được lĩnh vực ưu tiên, sản xuất mà đầu tư vào những lĩnh vực không được khuyến khích như bất động sản thì sao?”, lãnh đạo này đặt câu hỏi.
Một nguồn tin từ NHNN chia sẻ thêm năm nay việc điều hành sẽ “cực kỳ khó” nên cần thận trọng. Chính sách tiền tệ chưa nới lỏng nên việc tăng trưởng tín dụng không dễ dàng, thậm chí không nằm ngoài nguy cơ không tăng trưởng được. "Các ngân hàng đều mong mọi thứ rõ ràng để xây dựng kế hoạch kinh doanh song cả thị trường đang lo chống dịch mà chưa biết tình hình dịch như thế nào nên mỗi bên cũng nên có kế hoạch và đề ra các kịch bản rõ ràng", vị này nói.
Nguồn: