Dù hàng loạt gói tín dụng với lãi suất thấp, giảm tới 2,5%/năm được công bố gần đây, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội vẫn cho biết là rất khó tiếp cận vốn vay. Chẳng hạn mới đây, các doanh nghiệp du lịch - một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 cũng đã phải "cầu cứu" Chính phủ hỗ trợ theo phương án khác vì ngân hàng từ chối hồ sơ vay do quan ngại khả năng trả nợ. Theo đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất gói tín dụng 150.000 tỷ đồng, được Chính phủ bảo lãnh dành cho doanh nghiệp du lịch và lữ hành. Doanh nghiệp sẽ được vay tối đa bằng tổng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã phản ánh về điều này, rằng các ngân hàng tung các gói tín dụng rất "hoành tráng", nhưng khi tiếp cận lại rất khó khăn. Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay hầu như các doanh nghiệp công nghiệp rất khó tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, nguyên nhân chính là do Ngân hàng Nhà nước dành nhiều quyền tự quyết cho các ngân hàng thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, trong khi bản thân các ngân hàng thương mại thực chất hoạt động theo cơ chế của doanh nghiệp thông thường, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với các cổ đông, vì vậy sẽ hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do sẽ gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận và kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, sức ép với các ngân hàng không chỉ là lợi nhuận mà còn là chất lượng tài sản. Khẳng định mới đây của Thống đốc NHNN, ngành ngân hàng sẽ tập trung đơn giản hoá quy trình thủ tục nội bộ, nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng là để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng nhiều năm tới đây.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng chia sẻ nhận được phản ánh trái chiều từ cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, ngân hàng cũng đã nhận được các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Trong đó, những doanh nghiệp tốt đều không có ý kiến, mà toàn khen. Trong khi đó, những doanh nghiệp nhưng không tiếp cận được vốn, hay có ý kiến kêu ca là những doanh nghiệp không có phương án kinh doanh đảm bảo, vốn tự có không có...
Lãnh đạo Vietcombank cho rằng, với những doanh nghiệp như vậy thì ngân hàng cần phải bám sát để giải thích cho doanh nghiệp và gửi cho các hiệp hội, tổ chức, báo cáo NHNN để chủ động trong vấn đề truyền thông. Các ngân hàng chỉ có thể tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhanh hơn chứ không thể giảm chuẩn tín dụng được trong môi trường này vì sẽ để lại nhiều rủi ro sau này.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng chia sẻ "Chúng ta không thể hạ thấp điều kiện cấp tín dụng vì có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế sau này, do đó vẫn phải đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp có phương án khả thi, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển". Ông cũng nhấn mạnh, với những khách hàng có đủ điều kiện, có phương án kinh doanh tốt, đương nhiên ngân hàng sẽ phải nỗ lực để cho vay.
Trong khi đó, Tổng thư ký hiệp hội ngân hàng – ông Nguyễn Toàn Thắng mong muốn doanh nghiệp tránh hiểu sai về ngân hàng.
Theo ông Thắng, các TCTD cần chỉ đạo sát sao nắm sát tình hình doanh nghiệp, xác định đúng tình hình cần hỗ trợ, hỗ trợ hiệu quả, tránh lợi dụng chây ỳ, đảo nợ, sau này gây ra nợ xấu cho ngân hàng.
Khi đã nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp, ngân hàng cần thông tin cho dư luận các trường hợp không cho vay được vì lý do gì, tránh hiểu sai ngân hàng. Ngân hàng cũng phải giải thích cho doanh nghiệp rằng ngân hàng không phải là nguồn hỗ trợ duy nhất cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.
Nguồn: