Hàng loạt ngân hàng trung ương giảm lãi suất, Việt Nam thì sao?

25/11/2024
Việt Nam có hòa vào xu hướng nới lỏng và giảm lãi suất như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vừa và đang thực hiện?

Từ đầu tháng 7 đến nay, thêm một số ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, trong xu hướng nới lỏng tiền tệ đang mở rộng trên thế giới.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Úc tiếp tục có lần thứ hai trong một tháng giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay.

Và tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới lần lượt giảm lãi suất như Iceland, Úc, New Zealand, Nga, Chi Lê, Ấn Độ…, một trong những biện pháp nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Dù chưa thực hiện điều chỉnh, nhưng tại các nền kinh tế lớn và có ảnh hưởng lớn, sau quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đều có tín hiệu xem xét, thậm chí sẵn sàng, phương án giảm lãi suất để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trước hết, xu hướng trên đang định hình một thực tế có thể xem là gợi mở tình huống đảo ngược chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Bởi trước đó, chỉ mới trong năm 2018, nhiều nhà điều hành chính sách tiền tệ đã từng tăng, thậm chí hàng loạt quyết định tăng lãi suất đã thực hiện.

Ngay như Mỹ đã có tới 4 lần tăng lãi suất trong năm ngoái. Tần suất tăng khá dày trong năm 2018 cũng thể hiện rõ ở nhóm các nước mới nổi như Argentina (tăng 6 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 3 lần), Ấn Độ (tăng 2 lần), Philippines (tăng 4 lần), Indonesia (tăng 6 lần)…

Còn Việt Nam thì sao?

Nếu không tính đến tín phiếu với đặc điểm ngắn hạn và linh hoạt, thì trong năm 2018 Việt Nam đi ngược, khi Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên sau gần 5 năm giảm lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO); chỉ một bước nhỏ từ 5%/năm xuống 4,75%/năm và duy trì cho đến nay.

Lùi về trước một chút nữa, ngày 10/7/2017 Ngân hàng Nhà nước đã giảm một bước 0,25%/năm các lãi suất điều hành gồm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và duy trì cho đến nay, cũng như giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản cho vay ngắn hạn cho các lĩnh vực ưu tiên…

Như vậy, những năm gần đây, Việt Nam có chính sách lãi suất thận trọng, thể hiện số lần điều chỉnh rất ít và bước điều chỉnh nhỏ. Ổn định cũng là một cách nói.

Thay vào đó, việc điều hành chính sách tiền tệ (gắn với lãi suất) tại Việt Nam nghiêng nhiều hơn về điều tiết lượng.

Cụ thể, những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước thường xuyên, thậm chí thường trực tại nhiều thời điểm kéo dài, sử dụng công cụ tín phiếu phát hành đề điều tiết nguồn vốn trong hệ thống; cùng đó là kênh cho vay cầm cố trên thị trường mở; mua -bán ngoại tệ ; riêng kênh tái cấp vốn ít có thông tin cụ thể đề cập đến.

Trong đó, ở công cụ tín phiếu, trước tình trạng tắc nghẽn giải ngân đầu tư công những năm gần đây, nguồn vốn dư thừa trong hệ thống, cùng lượng tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ lớn trong từng giai đoạn…, tại nhiều thời điểm Ngân hàng Nhà nước phải tăng lượng phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, đa dạng và thậm chí kéo dài kỳ hạn để doãng nguồn đáo hạn.

Và đáng chú ý, lãi suất tín phiếu đã tăng mạnh (tháng 6/2018, lãi suất tín phiếu chỉ 1,2-1,8%/năm tùy kỳ hạn, từ tháng 3/2019 lên 3%/năm kỳ hạn 7 ngày duy trì cho đến nay). Loại lãi suất này được xem như một “chốt chặn” đối với lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, như một tấm đệm cho chênh lệch với lãi suất USD để gián tiếp cân đối giữ ổn định tỷ giá USD/VND…

Hoạt động “bơm - hút” vốn qua kênh tín phiếu cho đến nay vẫn có vai trò chủ yếu. Bên cạnh đó, cân đối lượng cũng thể hiện qua hoạt động mua vào - bán ra ngoại tệ tại một số giai đoạn, mà ở đây từng ghi nhận Ngân hàng Nhà nước áp dụng mua ngoại tệ kỳ hạn để giãn lượng tiền đồng đưa ra thị trường.

Với điều tiết nghiêng nhiều về cân đối lượng như trên, chính sách lãi suất của Việt Nam cho đến nay vẫn tương đối ổn định, trong bối cảnh năm 2018 xu hướng tăng mở rộng tại nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, cũng như hiện tại tình huống đảo chiều đang gợi mở ở hàng loạt quyết định cắt giảm nói trên.

Nguồn: