Hệ thống ngân hàng đang thừa tiền

29/11/2024
Thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, đã sẵn sàng nguồn vốn để cho vay. Nhưng tín dụng đến 20/3 chỉ tăng khoảng 0,7% cho thấy doanh nghiệp không có nhu cầu đi vay, hoặc vay rất ít.

Tổng cục thống kê đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020, trong đó có nhiều điểm đáng chú ý về ngành tài chính – ngân hàng.

Cụ thể, theo thống kê, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%).

Như vậy, ước tính từ đầu năm đến ngày 20/3, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 55.700 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng thấp hơn khá nhiều so với tổng phương tiện thanh toán, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đang rất dồi dào, rất nhiều tiền trong hệ thống nhưng khó giải ngân. Nguyên nhân bởi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu đi vay, hoặc vay rất ít.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đã xác nhận điều này, rằng dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng tới tăng trưởng cho vay của các nhà băng. Tại ĐHCĐ thường niên 2020, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV – ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng giảm 2%, một phần do yếu tố mùa vụ đầu năm vào tháng giêng, khách hàng ít khi đi vay và phần chịu tác động kép từ dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho biết vào hôm 12/3, những tháng đầu năm là thời gian người dân ít có nhu cầu vay tiền. Mặt khác, dịch Covid-19 tác động đến hoạt động doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu vay của nhóm khách hàng này.

Sự thừa tiền của hệ thống ngân hàng cũng thể hiện ở chỗ, kể từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng liên tục hơn 147.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu do dư thừa thanh khoản. Đến phiên 10/3, NHNN mới ngừng hút ròng qua kênh tín phiếu giúp lượng tiền “đọng” lại trong hệ thống ngân hàng, đảm bảo thanh khoản hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với dịch Covid-19. 

Hệ thống ngân hàng đang thừa tiền - Ảnh 1.

Nguồn: NHNN, BVSC

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cũng nhấn mạnh, ngành ngân hàng không thiếu tiền, sẵn sàng đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế, cả trong và sau dịch. Thậm chí, gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bới dịch Covid-19 còn có thể tăng trong thời gian tới.

Được biết, trước mắt, gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng thương mại là 285.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân được hết số tiền này, tín dụng toàn nền kinh tế sẽ tăng được khoảng 3,5% so với cuối năm 2019.

Thanh khoản hệ thống dồi dào đã khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục xuống thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ 16-20/3, lãi suất bình quân liên ngân hàng bằng VND có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngắn ngày, trừ các kỳ hạn 3 tháng lãi suất có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, lãi suất qua đêm bình quân trong tuần là 2,04%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 2,31%, lãi suất kỳ hạn 2 tuần là 2,41%/năm, 1 tháng là 2,78%/năm, 3 tháng là 3,29%/năm.

Bên cạnh đó, do kó cho vay, trong khi thanh khoản dư thừa đã tác động tới lãi suất huy động đầu vào. Mặc dù mới đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm trần lãi suất huy động đối với lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, lãi suất kỳ hạn dài trên thị trường cũng giảm khá mạnh.

Chẳng hạn, Techcombank đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất trong tháng 3, đưa mức lãi suất cao nhất từ 7,2%/năm (áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, khách hàng ưu tiên gửi từ 3 tỷ trở lên) xuống còn 6,5%/năm. NamABank giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn 30 tháng – 36 tháng xuống còn 7,5%/năm. 

Còn theo thống kê của NHNN, trong tuần 16-20/3, lãi suất huy động mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm. Như vậy, so với hồi đầu năm, bĩnh quân lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trên thị trường đã giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm. 

Hiện lãi suất tiền gửi trên 8%/năm chỉ được niêm yết tại một số ngân hàng nhỏ do khó cạnh tranh với các ngân hàng lớn về thu hút tiền gửi. 

Như vậy, ngân hàng đã sẵn sàng vốn để cung ứng cho nền kinh tế, nhưng câu hỏi lớn đặt ra là sức hấp thụ của các doanh nghiệp. Khi các hoạt động kinh doanh, sản xuất bị gián đoạn, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, không chỉ trong nước mà trên toàn cầu, thật khó để các doanh nghiệp và hộ gia đình đưa ra được kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính trong thời gian tới. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, ưu tiên hàng đầu hiện nay vẫn là chống dịch, giảm thiểu thiệt hại và chờ bứt phá sau khi dịch đi qua. 

Hệ thống ngân hàng đang thừa tiền - Ảnh 2.

Nguồn: