Như BizLIVE phản ánh vừa qua, kết thúc năm 2019 và dịp Tết Dương lịch, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam không cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 1 đồng nào thanh khoản, trong khi cùng kỳ phải bơm tới khoảng 60.000 tỷ đồng.
Khi đó, trao đổi bên lề với BizLIVE, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, về cơ bản thanh khoản hệ thống đảm bảo tốt qua dịp Tết Dương lịch, còn lại là đợt cao điểm Tết Nguyên đán nhưng "dự kiến cũng sẽ không có vấn đề gì".
Ngày 22/1, thị trường có phiên giao dịch cuối cùng để đón Tết Canh Tý 2020. Kết thúc phiên, khép lại mùa cao điểm thanh toán và chi trả, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tạo hiện tượng chưa từng có: tiền chảy ngược về Ngân hàng Nhà nước thay vì phải bơm ra hỗ trợ thanh khoản.
Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn lại với BizLIVE rằng, từ trước đến nay chưa từng có diễn biến như vậy.
Cụ thể, phiên 22/1, trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước vẫn treo nguồn vốn sẵn sàng hỗ trợ hệ thống cân đối thanh khoản, nhưng không có trường hợp nào tiếp cận.
Theo đó, thứ nhất, toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bước qua những ngày cao điểm thanh toán và chi trả của nền kinh tế, tập trung dịp Tết Nguyên đán, mà không phải vay mượn 1 đồng nào trên OMO.
Những năm trước, những ngày cao điểm này Ngân hàng Nhà nước thường phải bơm ròng cỡ 10.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên, số dư hỗ trợ có những năm lên tới khoảng 150.000 tỷ đồng để giúp hệ thống đảm bảo thanh khoản và khả năng chi trả.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu giao dịch của thị trường tăng cao dịp này, như riêng giao dịch qua ATM (chủ yếu rút tiền mặt) thường tăng tới 200% so với bình thường, và cơ quan quản lý đã phải có công điện chỉ đạo toàn hệ thống tập trung đáp ứng.
"Nhu cầu và nguồn đáp ứng của hệ thống tự cân đối và đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước không phải hỗ trợ", vị lãnh đạo chuyên trách trên cho biết.
Cũng theo người trong cuộc này, qua giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc không cần hỗ trợ 1 đồng nào qua OMO thì mùa cao điểm năm nay cũng không có hiện tượng ngân hàng nào đó đẩy cao lãi suất huy động hoặc tung ra chương trình khuyến mại "có tính chất cá biệt" nào cả.
Không những vậy, thứ hai, hiện tượng "chảy ngược" nguồn tiền còn được khẳng định rõ - điều chưa từng có trong lịch sử hệ thống kỳ cao điểm đón Tết Nguyên đán.
Cụ thể, ngày 22/1, thị trường ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước hút bớt tiền về "cất kho" qua phát hành tín phiếu. Quy mô phiên này tiếp tục ở mức 5.000 tỷ đồng, đưa tổng lượng hút bớt về dịp này lên 15.000 tỷ đồng; kỳ hạn vẫn 91 ngày nhưng lãi suất tín phiếu tiếp tục giảm xuống còn 2,65%/năm so với 2,8% ở phiên đầu tuần.
Như BizLIVE đề cập ở bài viết trước, Ngân hàng Nhà nước vừa có đợt mua vào ngoại tệ quy mô lớn, liên tiếp nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục, đồng nghĩa với lượng VND cung ứng lớn, thanh khoản hệ thống dồi dào.
Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ trong năm 2019 đến nay thanh khoản hệ thống luôn đảm bảo và dồi dào, những biến động lãi suất hồi tháng 8/2019 chỉ mang tính thời điểm.
Ngoài ra, theo phân tích của người trong cuộc trên, sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành vào tháng 9/2019, rồi lần giảm vào tháng 11/2019, độ trễ tác động đã được rút ngắn. Nói cách khác, việc giảm lãi suất đã ngấm dần vào thị trường.
Và như trên, toàn hệ thống đã tự chủ động cân đối nguồn tốt, Ngân hàng Nhà nước thậm chí còn phải hút bớt tiền về, thị trường liên ngân hàng được bình ổn, sau Tết Nguyên đán dòng tiền trở lại hệ thống nhanh như "quy luật" nhiều năm qua, nên kỳ vọng hiện tượng trên sẽ tiếp tục là cơ sở thuận lợi để bình ổn lãi suất trên thị trường 1 (lãi suất huy động và cho vay với dân cư và doanh nghiệp).
Nguồn: