Trên cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tập hợp thống kê của BizLIVE cho thấy lượng tiền gửi thanh toán của các cá nhân trên tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng vừa có biến động mạnh.
Tài khoản thanh toán của cá nhân ở đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ).
Cụ thể, trong quý I/2020, mặc dù số lượng tài khoản loại này tiếp tục tăng cao theo xu hướng nối dài nhiều năm qua, nhưng giá trị tiền đọng lại trên tài khoản sụt giảm mạnh so với quý liền trước (quý IV/2019).
Đây cũng là quý đứt gãy đầu tiên sau chuỗi 5 quý liên tiếp lượng tiền gửi này gia tăng. Và với số lượng tài khoản được mở tiếp tục tăng lên trong kỳ, số dư bình quân theo đó cũng giảm đáng kể.
Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2020, tổng lượng tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân đã giảm tới 23.198 tỷ đồng so với quý liền trước, mức giảm mạnh chưa từng thấy nhiều năm trở lại đây khi so sánh giữa các quý. Quý giảm gần nhất trước đó rơi vào quý III/2018, nhưng mức giảm chỉ 5.342 tỷ đồng.
Như trên, trong khi tổng lượng tiền gửi giảm mạnh, số lượng tài khoản mở mới vẫn tăng lên dẫn đến số dư bình quân trên mỗi tài khoản sụt giảm.
Cụ thể, đến quý I/2020, toàn hệ thống ngân hàng có tới 90,84 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tiếp tục xu hướng tăng nối dài nhiều năm qua, với tổng số dư 476.523 tỷ đồng; trong khi quý liền trước có 88,5 triệu tài khoản với số dư 499.721 tỷ đồng.
Theo đó, số dư tiền gửi bình quân trên mỗi tài khoản thanh toán cá nhân chỉ còn 5,245 triệu đồng/tài khoản. Trước đó, số dư tiền gửi bình quân này liên tục tăng từ trong năm 2018 đến cuối 2019, từ 4,761 triệu đồng lên tới 5,656 triệu đồng/tài khoản.
Những năm gần đây, với xu hướng bùng nổ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, lượng tài khoản thanh toán cá nhân mở mới tại Việt Nam liên tục gia tăng, quy mô số dư tiền gửi ở đây cũng liên tục tăng. Riêng mức sụt giảm tới 23.198 tỷ đồng chỉ qua một quý nói trên là hiện tượng đáng chú ý về quy mô.
Có thể đó chỉ là biến động mang tính ngắn hạn, nhưng có quy mô lớn, cần thời gian để tiếp tục theo dõi với những nguyên do nào đó. Còn về bối cảnh, quý I/2020 là quý đầu tiên nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Và một dòng chảy khác, có liên quan nhất định đến nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, là số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới tham gia thị trường chứng khoán cũng bất ngờ tạo kỷ lục trong tháng 3/2020.
Nguồn: