Theo các chuyên gia, nhà quản lý, các chính sách hỗ trợ cần đồng bộ và thống nhất để cộng hưởng sức mạnh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh trong 9 tháng năm 2021. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, quản trị quốc gia, quản trị xã hội và quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.
“Trong nguy chúng ta nhìn thấy cơ, trong thách thức chúng ta nhìn thấy cơ hội. Nhiều quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có chính sách mới gắn với điều kiện bình thường mới thì các doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội đó để phục hồi sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể nhanh nhạy để chớp những thời cơ này” - ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã có phạm vi rộng hơn, nhanh hơn, được gia hạn thuế nhiều hơn, trong đó cho gia hạn thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 8/2020 với những doanh nghiệp khai thuế theo tháng và gia hạn thuế giá trị gia tăng quý 1, quý 2 nếu doanh nghiệp nộp thuế theo quý. Đến ngày ngày 31/12 tới sẽ là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải thanh toán những khoản tiền này.
Với tiền thuê đất, một năm đóng hai kỳ nhưng đến nay cũng được gia hạn đến ngày 31/12. Như vậy trong thời gian doanh nghiệp chưa phải nộp tiền, thì có thể dùng dòng tiền nhàn rỗi tạm thời để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu tại chỗ. Đồng bộ, thống nhất những chính sách hỗ trợ hiện nay là hết sức quan trọng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện chính sách.
“Chúng ta cần những chính sách đồng bộ, tránh việc các chính sách xung đột lẫn nhau, các ngành, doanh nghiệp địa phương, cơ quan Nhà nước phải ngồi lại với nhau để đảm bảo sự thống nhất, quan trọng là tính khả thi doanh nghiệp có thể thực hiện được. Tất cả những khoản chi mà doanh nghiệp chi ra để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả của dịch phải được hạch toán vào phương án kinh doanh hay những khoản hỗ trợ phòng chống dịch sẽ được tính vào thu nhập hợp lý được trừ thuế của năm 2021” - ông Nguyễn Văn Phụng nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Việt Nam đã trải qua 2 năm đầy khó khăn của dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức tín dụng cũng phải loại rủi ro cho rất nhiều doanh nghiệp khi được cơ cấu nợ. Tất cả những khoản nợ mà doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được cơ cấu nợ đang được các tổ chức tín dụng cho vay là nợ dưới chuẩn nên việc xem xét cho vay mới là khó khăn với các tổ chức tín dụng.
Trong điều kiện chuẩn thì ngân hàng cho vay không hạ lãi suất. Tuy nhiên, hiện nay, các tổ chức tín dụng đang cho các doanh nghiệp vay giữa bối cảnh hết sức đặc biệt khi doanh nghiệp bị giảm doanh thu, chưa biết lãi hay lỗ, tài sản đảm bảo thiếu… nên rất cần cơ chế đặc biệt để các tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng khuyến nghị: “Cần phải có chính sách tài khoá bằng tiền thật để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh này nuôi dưỡng nguồn thu thì cần phải tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp, các bộ ngành cũng phải vào cuộc. Các tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp khó khăn thì cần có cơ chế phù hợp như quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ xưa đến nay đã thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao. Nếu thiếu tiền, Chính phủ vay tiền Ngân hàng Trung ương, phát hành trái phiếu hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng việc đồng bộ trong các chính sách hỗ trợ là rất quan trọng: Các chính sách hỗ trợ chưa đủ lớn, chưa đủ rộng, chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt còn hạn chế, việc tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, trong bối cảnh kinh tế Thế giới đang phục hồi khá tốt đang là bước đi khá chậm để kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp không còn cần thiết trong bối cảnh hiện nay: “Không nên giảm lãi suất điều hành, vì mức lãi suất điều hành hiện nay tương đối tốt, ở mức 4%, nếu tiếp tục giảm lãi suất điều hành, người dân không gửi tiền vào ngân hàng nữa, tiền chuyển vào trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, thậm chí tiền kỹ thuật số. Các ngân hàng chấp nhận giảm chi phí, biên lợi nhuận để giảm lãi suất, đồng hành cũng doanh nghiệp”.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ bằng cách tiếp tục giảm phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, theo hướng điều chỉnh mức giảm và thời gian cắt giảm phí, lệ phí kéo dài đến hết năm 2022. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ và đóng góp cùng Chính phủ trong giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh việc doanh nghiệp tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cũng cần tiết giảm chi phí, tìm cách giữ chân người lao động và đầu tư để tăng năng suất, chất lượng./.
Nguồn: