Liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động và 38.000 đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này.
Trao đổi về thủ tục hưởng hỗ trợ, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ trên tinh thần quán triệt quan điểm đảm bảo triển khai các bước hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất.
Ai sẽ được nhận hỗ trợ của gói 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1/10?
Đối với 38.000 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022) sẽ không phát sinh thủ tục hành chính.
Cơ quan BHXH căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó, đơn vị này sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.
Đối với 13 triệu người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xác định thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tất cả thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dự liệu công nghệ thông tin của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ông Lê Hùng Sơn cho biết thêm, đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp, sẽ được chi trả qua tài khoản cá nhân.
Bởi, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chi trả chính sách hỗ trợ cho người lao động qua tài khoản vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động. Bên cạnh đó, việc này cũng đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Theo đó, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân; còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ in sẵn ra để người lao động đối soát.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng cho hay, một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.
Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia Bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2020 đến nay, những người lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh/huyện sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Theo ông Sơn, để giải ngân xong gói an sinh trong vòng 1,5 tháng như tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cần một nền tảng dữ liệu thông tin lớn.
Khó nhất là chi trả cho 2,5 triệu lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện tản mát về các địa phương sinh sống.
Song hệ thống bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng nguồn lực con người lẫn kinh phí để triển khai chính sách từ 1/10 theo quy định.
Ông Lê Hùng Sơn.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, ngoài quyết tâm giảm ít nhất một nửa thời gian, việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho gần 13 triệu lao động “chắc chắn sẽ hoàn thành theo kế hoạch”.
"Theo báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghị quyết vừa được ban hành, sẽ cố gắng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo các mức Chính phủ đề xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là vấn đề thời gian thực hiện. Dự kiến, chúng tôi được giao thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian ba tháng (từ 1/10 đến 31/12) phải hỗ trợ xong cho gần 13 triệu lao động. Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH sẽ cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện xuống chỉ còn tối đa 45 ngày", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết.
Trả lời câu hỏi vì sao lại rút ngắn thời gian như vậy, bộ trưởng cho rằng: "Khó thì rất khó, nhưng cái khó của người lao động, cái thiếu thốn, cái khổ của người lao động còn lớn hơn rất nhiều cái khó của chúng ta… Chúng ta phải lựa chọn ưu tiên cho người lao động trước… Do các quỹ bảo hiểm hoạt động hiệu quả, có tích lũy, chúng ta đã quyết định được hai chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, Nghị quyết 03 của Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 116 của Chính phủ đã dành tổng cộng tới 38.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động (30.000 tỷ đồng) và người sử dụng lao động (8.000 tỷ đồng). Đây là quyết định chưa có tiền lệ.
Để thực hiện chủ trương này, chúng tôi sẽ chia ra thành ba nhóm đối tượng. Thứ nhất, trên cơ sở dữ liệu của 12,8 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm và người bảo lưu, xem ai đã có tài khoản cá nhân. Qua đó, bắt đầu từ ngày 1/10, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp tài khoản cá nhân của từng người. Trên cơ sở đó, cơ quan bảo hiểm sẽ gửi thẳng tiền hỗ trợ vào tài khoản theo định mức từng người được hưởng. Như vậy, nhóm thứ nhất sẽ gửi tiền hỗ trợ đến thẳng tài khoản cá nhân của từng người.
Nhóm thứ hai, với những người chưa có tài khoản cá nhân mà có nhu cầu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ phối hợp với bốn ngân hàng thương mại lớn, mở tài khoản cho người lao động và sẽ chuyển thẳng tiền vào đó. Còn đối tượng thứ ba, người ta không có nhu cầu, cũng không muốn mở tài khoản thì lúc đó sẽ phải thông qua doanh nghiệp. Nghĩa là tôi sẽ chuyển tiền hỗ trợ đó cho doanh nghiệp và họ có trách nhiệm chuyển tiền trực tiếp cho người lao động.
Đến thời điểm này, Bộ LĐTB&XH đã hoàn thành dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đúng ngày 1/10, khi quyết định của Thủ tướng có hiệu lực, sẽ tiến hành ngay. Từ nay đến lúc đó, BHXH Việt Nam được giao chuẩn bị toàn bộ cơ sở dữ liệu, phân loại thế nào đấy để đúng đến ngày 1/10 là có thể "bấm nút" chuyển tiền được ngay cho người lao động".
Nguồn: