IMF, World Bank và hàng loạt ngân hàng trung ương "vào cuộc" cứu nền kinh tế trước sự bùng phát của Covid-19

08/05/2024
IMF và World Bank hôm 2/3 cho biết đã sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trước đợt bùng phát Covid-19. Trong khi đó, hàng loạt Ngân hàng Trung ương cũng đã bắt đầu những bước đi để ổn định thị trường.

Sự bùng phát đại dịch Covid-19 đang khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo và kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương chống lại sự suy thoái tồi tệ này.  

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua (2/3) cho biết họ đã sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết các thách thức về kinh tế và con người trong đợt bùng phát Covid-19, bao gồm cả thông qua tài trợ khẩn cấp.

Trong một tuyên bố chung, hai tổ chức này cho biết họ tập trung đặc biệt vào các nước nghèo, nơi hệ thống y tế còn yếu kém và kêu gọi các nước thành viên tăng cường hệ thống giám sát và ứng phó sức khỏe để ngăn chặn virus. Hợp tác quốc tế là điều cần thiết để đối phó với tác động về sức khỏe và kinh tế của virus COVID-19. Cả IMF và WB đều cam kết hỗ trợ vì nỗ lực này.

IMF cho biết họ có các gói tín dụng nhanh (RCF) và tài chính nhanh (RFI), có thể cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các quốc gia thành viên như đã được sử dụng vào năm 2016 để giúp đỡ Ecuador sau một trận động đất lớn. IMF cũng có thể tăng cường các chương trình cho vay hiện có để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp liên quan đến dịch bệnh. Trong quá khứ, cơ quan này đã cung cấp thêm tiền cho Guinea, Liberia và Sierra Leone vào năm 2014 để chống lại dịch Ebola.

Quỹ tiền tệ Quốc tế cũng có các khoản tài trợ để giảm nợ giúp những nước nghèo nhất giải quyết các thiệt hại và có thể cung cấp hỗ trợ thông qua các thỏa thuận tài chính dự phòng mới. Ngoài ra, IMF có thể giúp các quốc gia mở rộng khả năng đối phó với dịch bệnh. Dù vậy, hôm 27/02, phát ngôn viên của IMF Gerry Rice nói với các phóng viên rằng, Quỹ đã không nhận được bất kỳ yêu cầu hỗ trợ nào.

Trong khi đó, ba Ngân hàng Trung ương hàng đầu thế giới dường như cũng đã bắt đầu thực hiện những bước đi của mình để ổn định thị trường đang bị xáo trộn bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19. "Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các biện pháp phù hợp và có mục tiêu khi cần thiết và tương xứng với các rủi ro tiềm ẩn", Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - Christine Lagarde cho biết trong một tuyên bố được đưa ra ngay sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa. Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cũng có một tuyên bố tương tự vào ngày hôm qua sau tuyên bố cam kết sẽ "hành động phù hợp" của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) Jerome Powell vào cuối tuần trước. 

Những lời trấn an từ các quan chức tài chính hàng đầu thế giới là chất xúc tác chính cho sự phục hồi toàn cầu ngày hôm qua trên thị trường chứng khoán, vốn đã chịu tổn thất nặng nề vào cuối tháng 2 vì dịch bệnh vẫn chưa được ngăn chặn. Theo nguồn tin từ Reuters, Powell, Kuroda và Lagarde cũng sẽ cùng các Bộ trưởng tài chính và đại diện các Ngân hàng Trung ương khác từ 7 nền kinh tế lớn nhất  thế giới (G7) dự kiến ​​sẽ tổ chức một hội nghị vào hôm nay (03/03) để thảo luận về các biện pháp đối phó với tác động kinh tế từ sự bùng phát virus Covid-19.

Họ sẽ làm gì và vào thời điểm nào vẫn là một câu hỏi mở, đặc biệt là cả ba đều đang hoạt động với "một lượng đạn nhỏ nhưng quý giá" trong kho vũ khí chính sách của mình. Trong số đó, Fed là cơ quan duy nhất vẫn đang áp dụng chính sách lãi suất dương. Tuy nhiên, theo nhận định của giám đốc kinh tế của JPMorgan, Michael Feroli, "tin tức về cuộc thảo luận của bộ trưởng tài chính G7 và Ngân hàng Trung ương cho một phản ứng phối hợp rõ ràng làm tăng tiềm năng rằng Fed sẽ hành động trong tuần này."

"Chúng tôi tin rằng một động thái điều chỉnh 25 điểm cơ bản sẽ có nguy cơ làm thị trường thất vọng và do đó thắt chặt tình hình tài chính. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nên điều chỉnh nhiều hơn 50 điểm cơ bản, mức mà chúng tôi và thị trường mong đợi." Giá cả trong tương lai sẽ hỗ trợ 100% cơ hội giảm một nửa điểm phần trăm tại cuộc họp hôm 17-18/3 của Fed và giảm một nửa phần trăm vào tháng 7. Tỷ lệ vay qua đêm hiện tại của Fed đang được đặt trong khoảng 1,5-1,75%.

Chuyên gia kinh tế Jan Hatzius và Daan Struyven của Goldman Sachs thậm chí còn để ngỏ khả năng có thể Fed sẽ không đợi đến cuộc họp dự kiến vào tháng 3 để hành động. "Tuyên bố của Chủ tịch Powell hôm thứ 28/2 cho thấy rằng các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu đang tập trung cao độ vào vào việc giải quyết các rủi ro kinh tế do virus Covid-19 gây ra", Hatzius và Struyven nhận định.

Trái với mong đợi giảm lãi suất của Fed, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về động thái cắt giảm này liệu có thực sự đem lại hiệu quả, bắt nguồn từ bản chất mối đe dọa của Covid-19. Ngân hàng Trung ương cùng với các chính sách tài khóa có thể thúc đẩy lượng cầu bằng cách giảm chi phí vay và tăng cung tiền. Nhưng họ không thể tự mình khắc phục được các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn hoặc kêu gọi người dân đi du lịch, tham dự các cuộc hội họp hoặc thậm chí đi học nhiều hơn, đặc biệt là nếu chính quyền địa phương hoặc các công ty cấm các hoạt động đó.

Thật vậy, với tỷ lệ nhiễm bệnh ở Nhật Bản và châu Âu ngày càng gia tăng, những nghi ngờ đó thậm chí còn được khuếch đại nhiều hơn, cho thấy BOJ và ECB sẽ phải tìm kiếm giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, mà đơn giản nhất là cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản của ECB đã ở mức thấp kỷ lục là 0,5%/năm và việc cắt giảm sẽ không làm được gì nhiều ngoài việc xác định dấu hiệu để cung cấp kích thích. Các nhà phân tích thị trường cho rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 12/3 tới.

Chủ tịch Lagarde bày tỏ rằng ECB có thể sẽ lựa chọn các công cụ tác động trực tiếp hơn đến nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái, như triển khai các khoản vay giá rẻ hoặc tăng cường hoạt động thanh khoản để thúc đẩy nền kinh tế. Ngoài ra, ECB còn có thể tăng các khoản miễn trừ phí trừng phạt đối với dự trữ vượt mức của các ngân hàng thương mại.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này đang tập trung vào việc giữ cho thị trường hoạt động trơn tru. "BOJ sẽ theo dõi sự phát triển một cách cẩn thận và cố gắng ổn định thị trường và cung cấp đủ thanh khoản thông qua các hoạt động thị trường và mua tài sản," ông nói. Điều đó cho thấy khả năng cao là BOJ sẽ sử dụng các công cụ hiện có để bơm thanh khoản vào thị trường, trước khi cân nhắc các bước nới lỏng tiền tệ bổ sung.

Thực tế là, BOJ sau đó đã cung cấp 500 tỷ yên (4,62 tỷ USD) cho các quỹ trong hai tuần thông qua các hoạt động thị trường. Các nhà đầu tư cũng hy vọng ngân hàng này sẽ tăng cường mua hàng ngày các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) để đặt giá sàn. "Tuyên bố của Thống đốc Kuroda tập trung vào các hoạt động thị trường và mua tài sản, điều đó có nghĩa là BOJ có thể khiến quỹ ETF của họ mua linh hoạt hơn để hỗ trợ thị trường chứng khoán hoặc thực hiện các bước để tránh làm thắt chặt thị trường tiền tệ", Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế trưởng tại SMBC Nikko Securities nói.

Tham khảo: Reuters

IMF, World Bank và hàng loạt ngân hàng trung ương vào cuộc cứu nền kinh tế trước sự bùng phát của Covid-19  - Ảnh 2.

Nguồn: