Kẹt tiền khắp ngả…

06/01/2025
Trong khi đó, một dòng chảy tự thân của doanh nghiệp lại không ngừng gia tăng và mở rộng.

Vừa qua, nhóm 6 công ty, là các đơn vị thi công dự án Cải tạo, nâng cấp QL4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai (giai đoạn 1) lại có đơn kêu cứu gửi đến các đầu mối chức năng xin được bố trí nguồn để thanh toán nợ đọng giá trị xây dựng cơ bản, số tiền 130 tỷ đồng.

Đây là lần thứ ba nhóm các công ty thi công nói trên gửi đơn kêu cứu. Lần này, họ nêu rõ: "Nếu Bộ GTVT không xem xét, giải quyết thấu đáo, chúng tôi sẽ buộc phải khởi kiện Bộ GTVT và các cơ quan liên quan để tòa án giải cứu cho chúng tôi".

Theo đơn kêu cứu, không chỉ tại dự án trên, nhóm doanh nghiệp này còn có nợ đọng xây dựng cơ bản ở những dự án khác, dẫn đến tình trạng phải bán tài sản lấy tiền bù đắp vào lãi vay, trả nợ tiền vật tư, tiền lương lao động…

Cho đến nay, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa có con số tổng thể chốt những năm hoặc kỳ báo cáo gần đây được công bố. Kiểm toán Nhà nước cũng từng "bó tay" về báo cáo cập nhật tổng hợp tình hình ở mảng này, như kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017.

Nhưng, như ví dụ đơn kêu cứu nói trên, lượng tiền kẹt ở đây chưa chi trả càng chất thêm khó khăn cho các chủ thể liên quan trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Cũng trong bối cảnh Covid-19, ở một dòng chảy khác, dù Chính phủ đã tạo nguồn và cơ chế, nhưng cập nhật đến trung tuần tháng 6 vừa qua, tiền vẫn kẹt cứng ở gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0%, khi chưa có một doanh nghiệp nào vay được.

Có tiền mà khó tiêu, khó vay được. Thực tế kẹt này cũng thể hiện ở giải ngân đầu tư công , khi qua nửa năm mới chỉ thực hiện được 34,96%% trong quy mô khoảng 700.000 tỷ đồng - con số và nguồn lực mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh đến.

Nhìn sang kênh tín dụng , dù có chuyển biến từ tháng 5, nhưng cập nhật đến 29/6 mới chỉ tăng được 3,26%, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Báo cáo tài chính nửa đầu 2020 nhiều ngân hàng vừa công bố cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng chỉ bằng phân nửa cùng kỳ 2019, thậm chí tăng trưởng âm.

Về tín dụng, có một nguyên nhân được giải thích từ nhu cầu vay thấp hoặc hạn chế, do sản xuất kinh doanh co hẹp bởi Covid-19. Nhưng cũng không loại trừ một nguyên nhân khác nữa, ngân hàng có phản ứng phòng thủ, thận trọng trong đẩy mạnh cho vay khi môi trường bộc lộ nhiều rủi ro.

Bởi lẽ, nhìn sang một dòng chảy khác - dòng chảy tự thân của doanh nghiệp – cho thấy nhu cầu không hề thấp, thậm chí liên tục tăng cao. Bất chấp Covid-19, lượng vốn mà doanh nghiệp tự tìm qua kênh trái phiếu trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng tới gần 50% so với cùng kỳ 2019. Ở đây cho thấy nhu cầu vay vẫn rất lớn; phát hành trái phiếu cũng là đi vay, nhưng lãi suất phải trả có thể cao hơn so với tìm đến ngân hàng và chỉ một bộ phận doanh nghiệp làm được.

Kẹt tiền khắp ngả… - Ảnh 1.

Báo cáo kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy hàng loạt dự án bố trí thiếu vốn, tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Ở các kênh lớn và chính yếu trên, dòng tiền vẫn kẹt. Thời gian còn lại của năm chỉ còn 6 tháng. Năm nay chốt lại kế hoạch với những mục tiêu giai đoạn 2016-2020. GDP nửa đầu năm và dự báo cả năm ở mức thấp, tham chiếu cho nhiều chỉ tiêu bị hạn chế.

Ví như, nếu thúc đẩy được GDP tăng trưởng khả quan hơn, không gian nợ công, bội chi ngân sách sẽ đỡ ngột ngạt, hay ngay cả tỷ lệ đòn bẩy tín dụng trên GDP cũng bớt nóng…

Theo đó, kích thích các nguồn lực đang là vấn đề trọng điểm. Khơi thông tình trạng kẹt tiền nói trên đang là điểm nóng, đặc biệt ở giải ngân đầu tư công. Chính phủ đốc thúc và thị sát cụ thể tới nhiều địa phương. Và đã có dấu hiệu cập nhật tiến độ liên tục, điển hình như Hà Nội hiện đã có con số giải ngân tính đến 15/7.

Ở kênh tín dụng, qua nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét và nới chỉ tiêu tăng trưởng cho một loạt ngân hàng thương mại. Cùng đó, thị trường vẫn chờ đợi khả năng có giải pháp mạnh qua tái cấp vốn cho các dự án trọng điểm, hướng mà Thống đốc Lê Minh Hưng đề cập tại hội nghị vừa qua.

Còn ở kênh tự thân nói trên, dự báo trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô hơn nữa trong ngắn hạn, như một phản ứng tranh thủ khoảng thời gian còn lại chưa áp dụng Nghị định 81 mà Chính phủ vừa ban hành. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 9/2020, trong đó có quy định về tần suất phát hành các đợt phải giãn ra 6 tháng.

Nguồn: