Như BizLIVE đề cập gần đây, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo quy định mới về cơ chế phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tờ trình cho dự thảo trên đề cập đến một cấu phần mới đang định hình trên thị trường trái phiếu: sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân.
Nhiều năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu dành cho nhà đầu tư là các tổ chức; sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân không đáng kể. Nhưng hai năm gần đây, với sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt qua kênh phân phối của một số ngân hàng thương mại, cấu phần tham gia của nhà đầu tư cá nhân đã định hình và có xu hướng tăng lên nhanh chóng.
Trong góp ý dự thảo nói trên của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dẫn cụ thể những dữ liệu cụ thể về cấu phần mới này.
Theo tập hợp của HoREA, trong năm 2019 đã có hơn 210 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với hơn 900 lượt phát hành, với tổng giá trị phát hành gần 297.000 tỷ đồng (tăng 32% so với năm 2018); quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đó đạt khoảng 10,93% GDP.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản phát hành 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhà đầu tư trái phiếu bất động sản là cá nhân chiếm 10,7%.
Cập nhật tiếp đến tháng 01/2020, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 13.374 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 7.364 tỷ đồng, chiếm đến 55%. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên rõ rệt, chiếm 17,6%.
Diễn biến trên cho thấy xu hướng khẩu vị rủi ro của một bộ phận nhà đầu tư đang thay đổi và mở rộng. Thay vì gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư chứng khoán hoặc một số kênh phổ biến khác, họ lựa chọn kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Như phân tích của nhiều đầu mối và cả cơ quan chức năng thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam còn tiềm ẩn những rủi ro khi nhiều trái phiếu không có tài sản đảm bảo, còn hạn chế trong việc đánh giá/xếp hạng tín nhiệm, hạn chế trong thẩm định phương án sử dụng vốn đối với nhà đầu tư cá nhân…
Tuy nhiên, xu hướng gia tăng nguồn vốn tham gia từ nhà đầu tư cá nhân đang cho thấy khẩu vị rủi ro của một bộ phận đang thay đổi, như việc chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng để có lãi suất cao hơn (lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 phổ biến trên 10%/năm, một số trường hợp có 12-14%/năm, trong khi lãi suất gửi ngân hàng trung dài hạn phổ biến từ 7-8%/năm).
Với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng, lại được phân phối qua kênh của một số ngân hàng thương mại để tiếp cận người gửi tiền, cấu phần và xu hướng trên nếu tiếp tục mở rộng sẽ "bóc tách" nhất định cơ cấu tiền gửi.
Mặt khác, nếu cấu phần tham gia của nhà đầu tư cá nhân tăng lên, quy mô lớn hơn nữa sẽ giảm thiểu nguồn tín dụng doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải vay ở ngân hàng.
Cả hai mặt đó cùng dẫn đến một dòng chảy mới, với xu hướng đang mở rộng nói trên: một bộ phận nguồn vốn (tiền gửi và tín dụng) tách khỏi bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, và nếu phát sinh rủi ro cũng nằm ngoài hệ thống các nhà băng.
Nguồn: