Ngày 29/7, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, bầu mới 2 thành viên HĐQT là bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Cuộc họp HĐQT ngay sau đó đã bầu bà Thanh Hương làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Nguyễn Tiến Dũng - người xuống làm Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Tân Chủ tịch NCB sinh năm 1980, là người dày dạn kinh nghiệm với 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán - tài chính ngân hàng. Năm 2018, sau khi rời ghế Phó Tổng Giám đốc TPBank, bà Hương gia nhập Sun Group, và được giới thiệu từng là CEO của tập đoàn này.
Chỉ trong tháng 7, có tới 117 triệu cổ phần, tương đương 28,5% cổ phần NCB được giao dịch thoả thuận.
Những tin đồn về sự đổi chủ của NCB đã râm ran xuất hiện từ lâu. Nguồn tin thân cận của Nhadautu.vn cho hay, một tập đoàn địa ốc niêm yết lớn ở phía Nam đã tiến rất gần đến thương vụ NCB, tuy nhiên "fail" ngay trước ĐHĐCĐ thường niên. Một tập đoàn vận tải - địa ốc lớn ở phía Nam cũng đã tích cực tiếp cận, hay sau đó là một nữ đại gia hàng đầu Sài Gòn trong lĩnh vực địa ốc - ngân hàng cũng từng là "candidate" sáng giá, dù vậy, như đã biết, đều đã không kết duyên được với NCB.
Ngoại trừ các ngân hàng quốc doanh, thì gần như tất cả các nhà băng tư nhân trong nước hiện nay đều ghi đậm dấu ấn của một tập đoàn/ ông chủ tư nhân, như ABBank - Geleximco; Sacombank, LienVietPostBank - Him Lam; TPBank - Doji; SHB - T&T Group; SeABank - BRG; OCB - Hướng Việt; VPBank - MIK; Techcombank - Masterise; MSB - TNG Holding; HDBank - Sovico; SCB - Vạn Thịnh Phát; Nam Á Bank - Hoàn Cầu; VietBank - Hoa Lâm; Bắc Á Bank - TH Group; VietABank - Việt Phương.
Dù có quy định nhóm cổ đông lớn không được sở hữu quá 20% cổ phần ngân hàng, song từ trước đến nay, các ông chủ nhà băng sẽ không bất ngờ nếu nắm giữ thực tế vượt xa con số này, có thể thấy rõ qua các đại án Trustbank - Hứa Thị Phấn, VNCB - Phạm Công Danh hay Oceanbank - Hà Văn Thắm.
Thực trạng sở hữu chéo, tuồn vốn cho sân sau từng là "cục máu đông" nhức nhối hệ thống ngân hàng Việt Nam cách đây 1 thập kỷ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước những năm trở lại đã siết chặt quản lý điều hành ngân hàng, giúp hệ thống hoạt động minh bạch và "sạch" hơn đáng kể.
Kể từ năm 2008, Việt Nam không cho mở mới ngân hàng, những tờ giấy phép hoạt động, bởi vậy, ngày càng có giá khi các đại gia Việt chưa bao giờ giảm đi khao khát sở hữu một nhà băng nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của họ, hoặc cũng có thể là với mục đích đầu tư.
Trước NCB, không ít trường hợp tương tự khi các tập đoàn lớn đã tìm được đường vào các nhà băng, có thể thấy qua thương vụ Thành Công Group trở thành cổ đông lớn ở Eximbank. Tại Eximbank, nhà lắp ráp xe Huyndai không phải là tay chơi duy nhất muốn sở hữu nhà băng cỡ vừa này, ngoài ra còn phải kể đến tập đoàn địa ốc lớn ở phía Nam đã từng tiến rất gần đến thương vụ NCB (đã đề cập) cũng bày tỏ sự quan tâm tới Eximbank, cùng với đó là cả Sacombank. Tương tự, đại gia Ninh Bình Nguyễn Đức Thuỵ ("bầu" Thuỵ) thời gian qua cũng thu hút nhiều chú ý khi cùng Thai Holdings đầu tư vào LienVietPostBank.
Ở Saigonbank, ngoài 65% mà Thành uỷ TP.HCM không sớm thì muộn cũng phải thoái vốn, số còn lại được đồn đoán thuộc sở hữu của một nữ đại gia địa ốc hàng đầu Sài Thành. Ở phía Bắc, chủ một ngân hàng khác được cho là cũng đang sở hữu tỷ lệ đáng kể PGBank, trong bối cảnh nhà băng này đã huỷ thương vụ sáp nhập với HDBank.
Việc các tập đoàn tư nhân đầu tư vào ngân hàng được đánh giá là tích cực ở hai khía cạnh, trong bối cảnh NHNN hiện quản lý rất chặt chẽ. Thứ nhất, quá trình thay máu cổ đông mang tới những nhà đầu tư lành mạnh (phải được NHNN chấp thuận), có động lực tái cơ cấu, phát triển ngân hàng; và thứ hai, khi kết hợp giữa hệ sinh thái, tập khách hàng sẽ tạo ra giá trị vượt trội cho cả hai bên, qua đó cũng đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Nguồn: