Khoảng trống lớn của kế hoạch có tiền mà khó tiêu

07/01/2025
Sau 7 tháng của năm 2020, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài mới chỉ đạt chưa tới 16% dự toán.

Theo dữ liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tính đến ngày 31/7/2020, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho đầu tư phát triển, bao gồm cả giải ngân theo hình thức ghi thu ghi chi và cơ chế tài chính trong nước, đạt khoảng 15,58%, với trị giá 8.834,34 tỷ đồng.

Trong đó, giải ngân của các bộ, ngành khoảng 3.359,37 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 18,44% so với dự toán được giao. Giải ngân của các địa phương đạt trên 5.474,96 tỷ đồng, bằng 14,23% so với dự toán.

Như vậy, nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước, thì tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài rất thấp, có sự chênh lệch tương đối cao.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 6 tháng và ước thực hiện 7 tháng năm 2020, sau 7 tháng khối lượng vốn trong nước được giải ngân ước khoảng 191.898 tỷ đồng, đạt 37,4% kế hoạch.

Khoảng trống lớn của kế hoạch có tiền mà khó tiêu - Ảnh 1.

Tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương theo báo cáo cập nhật các giai đoạn từ Bộ Tài chính.


Theo số liệu trên hệ thống Tabmis, tỷ lệ nhập dự toán chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các đơn vị đạt 48.312,93 tỷ đồng, tỷ lệ 85,21%. Trong đó, các bộ, ngành trung ương đạt 15.056,34 tỷ đồng, tỷ lệ 82,65% và các địa phương đạt 33.256,58 tỷ đồng, tỷ lệ 86,42%.

Có 21 địa phương đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn trên Tabmis là Hà Nội, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai,Long An,  Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau.

7 bộ ngành, cơ quan hoàn thành nhập và phân bổ 100% dự toán vốn trên Tabmis là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, BQL Khu CN cao Hòa Lạc, Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Ở thái cực khác, có 2 địa phương chưa hề gửi dữ liệu phân bổ và nhập dự toán Tabmis là Bắc Ninh, Hải Dương.


BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ 9 TỈNH THÀNH VẪN Ở SỐ 0

Về tiến độ giải ngân, Tây Ninh tiếp tục là điểm sáng về tiến độ giải ngân vốn ODA và vay nước ngoài khi chỉ từ cuối tháng 6 đến 31/7 đã nâng tỷ lệ giải ngân lên gần 20 điểm % (từ 55% lên 73,83%).

Ba địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% sau 7 tháng là Hải Phòng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khoảng trống lớn của kế hoạch có tiền mà khó tiêu - Ảnh 2.

Đáng chú ý, trong danh sách 10 địa phương được nhấn mạnh vì chưa hề có tiến độ giải ngân phần vốn được cấp phát ODA và vay nước ngoài tại Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra hôm 25/6 vừa qua, chỉ có duy nhất tỉnh Nam Định ra khỏi danh sách này.

9 địa phương vẫn tiếp tục không có thống kê hay tiến độ về tỷ lệ giải ngân phần vốn ODA và vay nước ngoài là: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tiền Giang.

Bộ Công Thương tiếp tục là bộ duy nhất chưa giải ngân phần vốn cấp phát đầu tư, với dự toán được giao là 138 tỷ đồng.

Ngoài ra, một trong hai đầu tàu của cả nước là TP.HCM hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt 4,43%.

Nguyên nhân lý giải là do TP.HCM đang có vướng mắc về việc hoàn ứng cho 3 dự án (Metro 1 Bến Thành Suối Tiên, Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2, Vệ sinh môi trường TP.HCM) trị giá 4.600 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trường hợp UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát cho tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỷ lệ giải ngân chung sẽ nâng lên mức khoảng 40%.


HƠN 47.866 TỶ ĐỒNG DỒN ĐỌNG 5 THÁNG CUỐI NĂM

Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, để đảm bảo mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra đối với giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài của năm 2020 là rất quan trọng.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng với tiến độ chưa đầy 16% nói trên, khoảng trống còn lại 5 tháng cuối năm trở nên quá lớn, khi còn dồn tới hơn 47.866 tỷ đồng, tương đương hơn 84% khối lượng tiền phải "tiêu".

Thực tế cho thấy, công tác giải ngân từ nguồn vốn đầu tư phát triển trong một số năm gần đây trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có xu hướng đi xuống rõ rệt. Nếu như năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài đạt 78,4% dự toán được giao thì năm 2018 giảm xuống chỉ còn 59%. Đặc biệt trong năm 2019, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt ở mức 36,4% dự toán được giao.

Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ ra những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan dẫn tới việc chậm giải ngân nguồn vốn này. Trong đó, đánh giá từ góc độ khách quan, dịch Covid-19 khiến các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chịu tác động nặng nề, do các dự án này sử dụng chuyên gia nước ngoài, nhà thầu giám sát nước ngoài, thậm chí nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài,… nên chậm tiến độ triển khai các dự án.

Khoảng trống lớn của kế hoạch có tiền mà khó tiêu - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư của các dự án ODA, sử dụng vốn vay ưu đãi vẫn dài hơn các dự án đầu tư công trong nước, bởi còn phải chờ các nhà tài trợ có ý kiến không phản đối về các gói thầu, đối với từng hoạt động (như trường hợp WB), ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án ODA nói chung.

Ngoài yếu tố nguyên nhân khách quan, theo Bộ Tài chính, cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là các chủ dự án chưa thực sự tích cực trong việc đôn đốc giải ngân. Các cơ quan chủ quản dự án chưa giao giải ngân đến các chủ dự án và chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ quan trọng.

Nguồn: