Không còn sở hữu chéo

07/01/2025
Tính đến hết tháng 6/2019, không còn tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng nhà nước vừa báo cáo gửi lên Quốc hội và đại biểu. Theo đó, tính đến ngày hết tháng 6/2019, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau vào năm 2017 là 7 cặp đã được khắc phục hết.

Bên cạnh đó, việc sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp vào tháng 6/2012, đến tháng 6/2019 còn lại một ngân hàng thương mại với một cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau là Ngân hàng Á Châu (ACB) - Công ty bất động sản Hòa Phát – Á Châu. 

Tỷ lệ sở hữu của ACB tại Công ty Bất động sản Hòa Phát – Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng nhà nước cũng cho biết đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm 2018 và gần 30% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.

Đối với các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DAB), Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại hoặc phương án phục hồi. Đến nay, Ngân hàng nhà nước đã trình Thủ tướng phê duyệt phương án cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương. Đối với Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng nhà nước đang lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Quỳnh Trang

Nguồn: