Không quen biết, tự thi tuyển vào ngân hàng Big4, cuối cùng tôi cũng sắp không thể trụ nổi vì không phải COCC?

05/01/2025
Mới đây trên một diễn đàn tâm sự nổi tiếng của những người làm nghề ngân hàng xuất hiện một bài viết gây chú ý về chủ đề muôn thuở: COCC - “Con ông cháu cha”.

Một bạn trẻ chia sẻ trên một diễn đàn, bạn đang làm việc tại một ngân hàng nhóm Big4 ở tỉnh (tên thường gọi cho 4 ngân hàng có vốn Nhà nước). Bạn trẻ này không hề có quen biết cũng như không thuộc nhóm có người quen hay họ hàng với cán bộ trong nhà băng đó (thường được gọi với cụm từ “con ông cháu cha”). Bạn tự thi và trúng vào ngân hàng Big4 đó.

Thế nhưng sau một thời gian nỗ lực cố gắng, học hỏi thì bạn trẻ này nhận được một số thông tin cho rằng mình đang bị cho vào danh sách để ý đến để chấm dứt hợp đồng. Lý do được đưa ra là không được lòng một số lãnh đạo ngân hàng vì những yếu tố ngoài nghiệp vụ.

Sau đó bạn trẻ này bị chuyển sang bộ phận khác. Theo suy đoán cá nhân, bạn cho rằng ngân hàng điều chuyển công tác để bạn trẻ này tự nộp đơn xin nghỉ. Thành viên này hiện đang rất phân vân không biết mình nên cố gắng tiếp tục hay tự chấm dứt trước. Mỗi ngày đi làm rất áp lực và bị soi mói. Chính vì vậy bạn đã lên diễn đàn để xin lời khuyên từ những người cùng nghề.

Bài viết này thu hút nhiều bình luận khi nhiều người cảm thấy giống câu chuyện của họ. Hầu hết lời khuyên của thành viên diễn đàn có thể chia thành 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng bạn trẻ này nên nghỉ việc thay vì chịu đựng áp lực và bị soi mói như vậy. Đây là những người đã từng ở trong hoàn cảnh tương tự, sau đó quyết định nghỉ việc ngân hàng và thấy đây là một điều sáng suốt. Một luồng ý kiến khác cho rằng đây là những áp lực để rèn luyện bản lĩnh cũng như giúp bạn trẻ trưởng thành.

Không quen biết, tự thi tuyển vào ngân hàng Big4, cuối cùng tôi cũng sắp không thể trụ nổi vì không phải COCC? - Ảnh 1.

Dù thị trường nhân sự tài chính ngân hàng đã vô cùng năng động và phát triển, nhưng chủ đề “con ông cháu cha” (COCC) vẫn luôn nóng và có phần “nhạy cảm” trong ngành ngân hàng, nhất là trước mỗi mùa tuyển dụng. Ở các Ngân hàng thuộc nhóm Big4, câu chuyện “người thân người quen” được ưu ái dường như càng được truyền khẩu nhiều hơn.

Con ông cháu cha ngân hàng là ai?

COCC là cụm từ được dùng để ám chỉ các cá nhân có mối quan hệ thân cận với những người làm việc trong một đơn vị tổ chức. Với riêng ngành ngân hàng, xác định mối quan hệ giữa ứng viên tuyển dụng với các nhân viên hiện tại của hệ thống không phải là chuyện cần phải giấu giếm, bởi ngay từ hồ sơ dự tuyển các ngân hàng đã đặt ra câu hỏi này. Thậm chí trong khi phỏng vấn, các ứng viên cũng thường được nhà tuyển dụng Ngân hàng đặt câu hỏi: “Em có quen biết ai làm việc trong Ngân hàng này không?”.

Nếu cùng trong vòng tuyển chọn, có cả COCC và “người thường”, cả hai có cùng trình độ, hoặc chênh lệch không đáng kể, thì COCC sẽ được ưu tiên hơn.

Tuy nhiên, bất cứ quyết định nào từ phía Ngân hàng cũng đều có lý do chính đáng. Tại sao COCC lại được nhà băng chọn, có phải họ chỉ dựa hơi người nhà để tiến thân, hoàn toàn không có lợi ích gì cho tổ chức? Điều đó thì chưa chắc.

Trên thực tế, COCC có những đặc quyền của riêng mình như: COCC sẽ bắt nhịp nhanh hơn với công việc vì có thêm người hướng dẫn. Ngân hàng sẽ bớt được “chi phí” đào tạo.

COCC đương nhiên sẽ có người bảo lãnh nếu công việc liên quan trực tiếp đến tiền bạc. Vấn đề an ninh là vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu tại các Ngân hàng. Một người lai lịch rõ ràng, có người bảo lãnh hẳn sẽ được ưu tiên hơn người lai lịch chưa được xác minh.

Khi nhận COCC vào làm việc, nếu đó là người thân quen với các lãnh đạo nhà băng, việc xếp chỗ còn là “cơ hội” ghi điểm của người tuyển dụng với lãnh đạo, cơ hội được ưu ái hơn trong công việc tương lai - phải thẳng thắn thừa nhận - là có.

Khi các nhà băng cạnh tranh khốc liệt với đủ các chỉ tiêu từ cho vay, gửi tiết kiệm, bán sản phẩm bảo hiểm,... COCC sẽ có lợi thế tận dụng những nguồn lực sẵn có của gia đình.

Vậy nếu là “người thường” thì làm sao để cạnh tranh tay bo với COCC trong khi ứng tuyển? Trên một diễn đàn nổi tiếng ngành ngân hàng có chỉ ra 3 chiến lược cụ thể và quan trọng nhất là phải bỏ ngay suy nghĩ “kiểu gì cũng không vượt qua được COCC”.

Thứ nhất, bạn hãy thực sự hiểu công việc mình làm

Bạn đừng ngại dành thời gian để tìm hiểu kỹ càng về công việc của mình ứng tuyển. Bạn hãy tìm kiếm thông tin đến khi nào bạn có thể nói chuyện, tâm sự với người khác về công việc này.

Thứ hai, bạn cần biết thế nào là đủ và phù hợp

Bất cứ vị trí nào cũng đều yêu cầu những kỹ năng, kiến thức đặc thù. Bạn dù có bằng ACCA hay thạc sĩ nhưng không phải thứ Ngân hàng cần thì bạn vẫn có thể trượt như thường.

Thứ 3, bạn cần thay đổi để chớp thời cơ

Nếu bạn cảm thấy vị trí bạn ứng tuyển đang có rất nhiều COCC cùng ứng tuyển; bạn có thể ứng tuyển vào vị trí khác. Thậm chí, chuyển sang một chi nhánh khác. Bạn hoàn toàn có thể tích lũy kinh nghiệm dần dần từ những Ngân hàng nhỏ; và nuôi ước mơ Ngân hàng lớn sau 3-5 năm cũng là một phương án có thể cân nhắc.

Hãy giữ vững tinh thần chiến đấu đến cuối cùng. Nói cho cùng, chúng ta không lựa chọn được việc sinh ra ở đâu, nhưng có thể lựa chọn sẽ làm việc chỗ nào; không lựa chọn được người thân quen làm ngân hàng, nhưng có thể lựa chọn để người thân và con cái có chỗ dựa khi có ta làm trong bộ máy đó. Thậm chí, nếu gặp phải những trường hợp “xấu xí của xã hội”, chọn cách ngẩng cao đầu rời đi thì ta vẫn có bài học cho riêng mình.

https://cafebiz.vn/khong-quen-biet-tu-thi-tuyen-vao-ngan-hang-big4-cuoi-cung-toi-cung-sap-khong-the-tru-noi-vi-khong-phai-cocc-2022022815481128.chn

Nguồn: