Không thể cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”

12/01/2025
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư có nội dung đưa ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Trao đổi với DĐDN về vấn đề trên, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho biết, đây là một ý tưởng rất kỳ lạ và là điển hình của tư duy không quản được thì cấm.

- Xin Luật sư cho biết quan điểm của mình trước đề xuất đưa ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh?

Đây là ý tưởng rất kỳ lạ. Bởi, nếu chiểu theo các ngành nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật dân sự cấm đó là phải liên quan đến an ninh Quốc phòng, trật tự công cộng, lợi ích cộng đồng, sức khỏe cộng đồng… thì ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ không nằm trong diện cấm.

Phải công bằng mà nói, ngành kinh doanh nào cũng đều có hai mặt. Điểm mấu chốt ở đây, trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc bảo vệ con nợ và trật tự an toàn xã hội, Luật cũng phải đặc biệt chú ý bảo vệ quyền sở hữu nói chung, quyền của chủ nợ nói riêng.

- Nhưng rõ ràng, thu nợ kiểu "xã hội đen", vây nhà, khủng bố con nợ qua điện thoại, thậm chí bắt giữ con nợ trái pháp luật... trong thời gian qua khá phổ biến?

Như tôi đã nói, ngành kinh doanh nào cũng có những hạn chế nhất định và ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ này cũng vậy.

Nhưng trước tiên phải khẳng định, ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết cho xã hội, đặc biệt là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, sử dụng nó để đòi nợ hợp pháp và có đóng thuế cho nhà nước.

"Đừng đưa ngành kinh doanh dịch vụ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Bởi các nước trên thế giới đều có ngành kinh doanh này, chỉ có điều họ làm công tác quản lý và thực thi pháp luật tốt hơn Việt Nam".

Đồng thời, từ xưa đến nay của ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ là nghệ thuật, là kỹ năng, là chuyên môn, để đòi nợ.

Minh chứng cho điều này có thể kể đến như theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%. Trong khi đó, nếu khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả chỉ khoảng 50%.

Điều này cũng lý giải vì sao, các ngân hàng thường có các công ty thu hồi, xử lý nợ. Trong trường hợp không có các công ty này thì ngân hàng, doanh nghiệp nào có nhiều nợ nần cũng có bộ phận thu hồi nợ. Điều này cho thấy nhu cầu xuất phát từ thị trường và tính hiệu quả của ngành kinh doanh này.

Mặt khác, như bạn dẫn chứng ở trên cũng không sai, trong những trường hợp phát sinh, có nguy cơ, hay thậm chí là sai phạm như vậy thì kiện ra tòa, áp dụng mức chế tài thật nặng để đảm bảo tính răn đe. Và quan trọng là cơ quan chức năng phải để mắt đến để xử lý kịp thời, trong đó có việc xử lý tội phạm hình sự.

- Liệu đây có phải tư duy, không quản được thì cấm, thưa Luật sư?

Đây là ví dụ điển hình cho tư duy không quản được thì cấm. Bởi, ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ trước đến nay vốn không cấm và về mặt nguyên lý, ngành này cũng không nằm trong danh mục ngành cấm. Song chỉ vì xuất hiện những trường hợp tiềm ẩn, rủi ro thì đề xuất cấm thì sẽ có đến "ti tỷ" các ngành kinh doanh khác có thể rơi vào tình trạng ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Ví dụ như ngành dịch vụ cầm đồ, ngành này 100% là phạm pháp, chưa cần bàn đến các loại nguồn tài sản mà chỉ nói đến lãi suất, không có một lãi suất nào từ xưa đến nay là đúng luật cả. Kể cả khi quy định lãi suất không quá 13,5% rồi đến 14%, và bây giờ quy định là không quá 20%... Làm gì có cái lãi suất nào như thế trong thực tế cầm đồ.

Hay như các ngành nghề khác như karaoke, mát xa đều có vấn đề hết… tại sao không cấm?

- Vậy theo Luật sư, nếu không cấm thì nên quản lý thế nào đối với ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ?

Nhìn chung, các quy định về ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ cơ bản đã có. Trong đó, có điều kiện về vốn, về người quản lý, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cũng như tiêu chuẩn đối với người lao động trong dịch vụ đòi nợ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Tuy nhiên, các chính sách này cần tiếp tục được hoàn thiện. Chẳng hạn cần bổ sung các quy định như, trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Đây là một trong những điểm giống với các quy định của Úc về thời gian đôn đốc nợ.

Tuy nhiên họ nhân văn hơn là không đôn đốc nợ tại nơi công sở, công cộng để đảm bảo danh dự cho người vay. Ngoài ra cũng không đôn đốc nợ vào dịp tết hay ngày nghỉ lễ, một ngày chỉ được gọi số lượng cuộc gọi theo quy định, giờ nào được gọi, đến gặp mặt ở đâu, cách tiếp xúc như thế nào… đều được quy định rõ ràng, chi tiết, tránh các trường hợp ảnh hưởng đến trật tự và con người.

Đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan trực tiếp tham gia vào các trường hợp khi xảy ra rủi ro, nâng cao trách nhiệm với người dân hơn.

Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc bảo vệ con nợ và trật tự an toàn xã hội, Luật cũng phải đặc biệt chú ý bảo vệ quyền sở hữu nói chung, quyền của chủ nợ nói riêng. Toà án hiện nay cũng như nhiều năm nữa chưa thực sự làm tốt được điều này.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Nguồn: