Kinh tế khó khăn, lãi suất xuống thấp, người dân và doanh nghiệp gửi thêm bao nhiêu tiền vào ngân hàng từ đầu năm đến nay?

12/01/2025
Tổng cục Thống kê vừa có các số liệu cập nhật đến cuối tháng 9, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Theo báo cáo mới đây từ Tổng Cục Thống kê (GSO), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Trước đó, cùng kỳ năm 2020, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,99%. 

Kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng khá, đảm bảo quyền lợi người tham gia bảo hiểm, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%.

Tính đến thời điểm 20/9/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,95% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,58%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,28% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%). 

Trước đó, theo số liệu của NHNN, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại hệ thống TCTD tăng 3,59% trong 7 tháng đầu năm.

Được biết, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống TCTD cuối năm 2020 đạt gần 10,02 triệu tỷ đồng. Theo đó, ước tính, người dân và doanh nghiệp đã gửi thêm gần 42.300 tỷ đồng vào các TCTD trong 9 tháng đầu năm 2021, nâng tổng số tiền gửi lên hơn 10,4 triệu tỷ. 

Trước đó, tại buổi Đối thoại "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn đến phải đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - Vneconomy tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng đến hết 31/8 đạt 7,18% so với đầu năm, và dự kiến đạt 12% cả năm. Theo đó, NHNN còn 5% để điều tiết tín dụng trong vòng 3 tháng còn lại.

"Cần khẳng định rằng ngân hàng không hề siết chặt mà còn mong muốn doanh nghiệp được thuận lợi để ngân hàng còn có dư địa tín dụng. Mục tiêu tín dụng năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp", ông Tuấn Anh cho hay. 

Như vậy, đối chiếu với con số tăng trưởng tín dụng mới nhất do Tổng cục Thống kê cung cấp, dường như tín dụng đã dậm chân tại chỗ trong tháng 9 vừa qua. Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, 2 tháng nay ngành ngân hàng đã rất tích cực cho vay nhưng cầu tín dụng còn yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên kỳ vọng có thể phục hồi trở lại sau khi tháo gỡ giãn cách xã hội.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán 9 tháng năm nay ước tính đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.042 tỷ đồng/phiên, tăng 224% so với bình quân năm 2020; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt đạt 10.948 tỷ đồng/phiên, tăng 5,3%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh, đối với sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 207.171 hợp đồng/phiên, tăng 32%; đối với sản phẩm chứng quyền có bảo đảm, khối lượng đạt 18,78 triệu chứng quyền/phiên, tăng 59%.

Nguồn: