Lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động, NIM ngân hàng quý 3/2020 tăng mạnh
Theo dữ liệu của Fiin Group, biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết đã tăng mạnh trong quý 3/2020 trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong bối cảnh lãi suất thấp hiện nay.
Cụ thể, NIM của 21 ngân hàng niêm yết tăng 9,7 điểm cơ bản (bps) so với Quý 2/2020 lên 0,89%. Đây là mức NIM cao nhất tính theo quý và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ Quý 1/2018 giai đoạn tăng trưởng mạnh của ngành ngân hàng.
Để có được mức NIM cao này, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất cho vay bình quân ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của 20 ngân hàng (trừ BVB) cũng tăng lên 9,2% từ mức 9% trong Quý 2/2020, cho thấy tác động của việc giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên thu nhập lãi của ngân hàng đã giảm trong Quý 3/2020.
Duy trì được lãi suất cho vay, thu nhập lãi cho vay khách hàng của 20 ngân hàng (trừ BVB) đã tăng 5,2% trong khi thu nhập lãi từ chứng khoán nợ chỉ tăng 0,8% so với Quý 2/2020. Điều này cho thấy tăng trưởng NIM và thu nhập lãi thuần phần lớn đến từ cho vay khách hàng. Một số ngân hàng có tỷ trọng lãi từ đầu tư chứng khoán nợ cao (trên dưới 20%), bao gồm TCB, VBB (Vietbank), TPB và MBB.
Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm, thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5% so với Quý 2/2020 trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%. Điều này cho thấy lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với mức giảm lãi suất huy động trong thời gian vừa qua.
Tín dụng cá nhân phục hồi mạnh
Đến cuối Quý 3/2020, cho vay khách hàng tăng trưởng 5,8%, thấp hơn tăng trưởng tiền gửi của khách hàng (7,3%) và đây là xu hướng tiếp diễn từ Quý 2/2020. Điều này khác với xu hướng các năm trước, cho thấy ảnh hưởng của Covid-19 đến cầu tín dụng đến với các ngành kinh tế ở mức khá lớn.
Tuy nhiên, Fiin Group chỉ ra, tín dụng cá nhân ở một số ngân hàng có dấu hiệu hồi phục trở lại trong Quý 3/2020 đã góp phần vào việc tăng lợi nhuận, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ cao
Trong năm 2019, tính trên 18 ngân hàng niêm yết, mặc dù vẫn là động lực lớn, tốc độ tăng trưởng tín dụng cá nhân tiếp tục giảm xuống 22,6% từ 23,6% năm 2018 trong khi tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh trở lại với mức 11,3% từ 7,9% năm 2018.
Số liệu phân tách dư nợ doanh nghiệp và cá nhân không được các ngân hàng công bố đầy đủ trong Quý 3/2020. Tuy nhiên, 5 ngân hàng có phân tích trong thuyết minh báo cáo tài chính (VPB, VIB, MBB, SHB, KLB, chiếm 18,3% tổng dư nợ của các ngân hàng niêm yết, trong đó VPB, VIB, MBB, KLB có tỷ trọng tín dụng cá nhân ở mức cao) cho thấy động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2020 đến từ tín dụng doanh nghiệp với mức tăng trưởng 12% trong khi tín dụng cá nhân chỉ tăng 6,1%.
Tuy nhiên, nếu so với cuối Quý 2/2020 khi tín dụng doanh nghiệp của các ngân hàng này tăng trưởng 9,6% trong khi tín dụng cá nhân chỉ tăng 2%, có thể thấy tín dụng cá nhân đã tăng trưởng nhanh hơn trong Quý 3/2020.
Xu hướng tín dụng cá nhân tăng tốc trở lại góp phần vào việc tăng thu nhập lãi thuần và NIM của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao hơn và biên lãi ròng lớn. Hai ngân hàng có tín dụng cá nhân tăng trưởng mạnh nhất trong Quý 3/2020 là MBB (từ 1,1% cuối Quý 2/2020 lên 10,9% cuối Quý3/2020) và VIB (từ 8,2% cuối Quý 2/2020 lên 16,7% cuối Quý 3/2020). NIM của MBB và VIB tăng lần lượt 11 điểm cơ bản (bps) và 12 bps trong Quý 3/2020 lên mức NIM tương ứng là 1,31% và 1,12%, đứng thứ 3 và thứ 5 trong 21 ngân hàng niêm yết.
Nguồn: