Lãi suất cho vay khó giảm theo lãi suất điều hành

26/11/2024
Việc loạt lãi suất điều hành giảm 0,25% sẽ không ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất thị trường nhưng là dấu hiệu của nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trưa 13/9, Ngân hàng Nhà nước phát thông báo giảm 0,25% từ ngày 16/9 với lãi suất tái cấp vốn; lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ với các ngân hàng; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.

Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một loạt lãi suất điều hành. Ảnh: P.V.

Ngân hàng Nhà nước vừa giảm một loạt lãi suất điều hành. Ảnh: P.V.

Dựa vào thực tế ở Việt Nam, các chuyên gia nhận định việc giảm các loại lãi suất điều hành nói trên tác động không đáng kể tới lãi suất huy động, cho vay dân cư và doanh nghiệp.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, ở các nước phát triển như Mỹ, một động thái giảm lãi suất tham chiếu (ở nước này là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường ngân hàng) sẽ tác động trực tiếp tới các loại lãi suất trên thị trường, do các quy định ràng buộc khiến các loại lãi suất này đều xoay quanh và gắn liền với lãi suất điều hành.

Tuy nhiên tại Việt Nam, lãi suất trên thị trường cho vay dân cư và doanh nghiệp không bị ràng buộc bởi các loại lãi suất điều hành. Do sự rời rạc và tách biệt giữa hai thị trường 1 (thị trường cho vay dân cư, doanh nghiệp) và 2 (thị trường liên ngân hàng), ông đánh giá tác động không đáng kể đến lãi suất cho vay dân cư và doanh nghiệp. Thực tế cho thấy có những thời điểm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng biến động mạnh nhưng lãi suất ngân hàng giao dịch với cư dân không bị ảnh hưởng.

Tương tự, báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, tác động của việc giảm các loại lãi suất nói trên tại Việt Nam sẽ không quá lớn như ở các nước phát triển. Việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền chứ không phải về lãi suất.

Bên cạnh đó, các loại lãi suất như tái chiết khấu, tái cấp vốn không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng. Ngay cả đợt giảm lãi suất tín phiếu hồi tháng 7 mới đây cũng có tác động rất hạn chế đến mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước diễn ra một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất thấp kỷ lục xuống -0,5%. Điều này nằm trong làn sóng giảm lãi suất điều hành của hàng chục ngân hàng trung ương trên thế giới, mở đầu bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trước bối cảnh chiến tranh thương mại căng thẳng và sự lo ngại đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước đó, nhà điều hành đã nới rộng hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng và giảm lãi suất tín phiếu 0,25% vào tháng 7. Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định đó có thể là dấu hiệu của chính sách nới lỏng tiền tệ. Ông cho rằng điều này là cần thiết khi kinh tế Việt Nam cũng như các nước khác đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

BVSC nhận định, điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam là đặt mục tiêu trực tiếp về khối lượng cung tiền thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán (M2), khác với Fed vốn thường điều tiết cung tiền thông qua mục tiêu trung gian là lãi suất.

Do đó, quyết định này chủ yếu mang tính chất định hướng và tâm lý, còn việc Việt Nam có thật sự nới lỏng hơn chính sách tiền tệ hay không thì cần chờ số liệu thực tế về tăng trưởng tín dụng và M2 trong thời gian tới.

Quỳnh Trang

Nguồn: