Mới đây, nhiều ngân hàng công bố lãi suất tiết kiệm quanh mức 7,8-8,5% với kỳ hạn 13 tháng.
Cụ thể, tại ngân hàng SHB, trong khi lãi suất các kỳ hạn khác không quá 7,5% thì kỳ hạn 13 tháng lại là 8,5%/năm. Điều kiện để được hưởng lãi 8,5%/năm với khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Hiện, lãi suất 13 tháng của ngân hàng này là cao nhất. Tiếp đó là VIB với lãi suất 8,4%; ABBank, Nam Á Bank 8,3% cho các khoản từ 500 tỷ đồng trở lên.
Một số ngân hàng khác như: Eximbank, LienVietPostBank, BaoVietBank, Sacombank công bố lãi suất ở mức 8% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Còn lại mức phổ biến cho kỳ hạn này là 7,5-7,8%/năm.
Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng hiện tăng khá cao. (Ảnh minh họa: KT)
Lý giải về mức lãi suất tiền gửi cao đang diễn ra tại một số ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho hay, các ngân hàng đang có 2 mục tiêu, một là cơ cấu lại nguồn vốn tiền gửi trung dài hạn trong bối cảnh tiếp tục thực hiện Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có liên quan đến việc giảm dần tỷ lệ sử dụng ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Thứ 2, đây cũng là cách để huy động được nguồn vốn trung và dài hạn, đặc biệt là giảm trái phiếu, qua đó tăng vốn cấp 2 đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu cũng như vốn điều lệ theo chuẩn mực Base II trong thời gian tới.
Cũng theo ông Lực, việc đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để hút lượng tiền gửi của khách hàng chỉ mang tính chất thời điểm và cục bộ tại một số ngân hàng chứ không phải tất cả. Bởi hiện nay, cơ cấu vốn của các ngân hàng có những điểm khác nhau. Cùng với đó, khả năng “đẩy” tín dụng, hoạt động tín dụng, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng cũng khá khác nhau.
Nhận định về mặt bằng lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, do định hướng chỉ đạo về ổn định mặt bằng lãi suất của Chính phủ và NHNN nên về cơ bản lãi suất được dự báo duy trì ở mức tương đối ổn định, cũng có thời điểm “nhấp nhô sóng” nhưng không đáng kể.
“Do mặt bằng lãi suất trên thế giới ổn định, đặc biệt trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố không tăng lãi suất, thậm chí dự kiến giảm lãi suất 1-2 lần trong năm 2019, cho nên áp lực tăng lãi suất từ bên ngoài khá thấp so với năm ngoái. Mặc dù vậy, trong mọi trường hợp, các ngân hàng cũng cần cơ cấu lại nguồn vốn của mình cũng như cơ cấu lại danh mục cho vay, đồng thời tiếp tục tiết giảm chi phí để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận cả năm”, ông Cấn Văn Lực nói./.
Nguồn: