Báo cáo mới đây của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết: Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 là 93.225 (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2020). Trong đó có 67.083 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 8,1%) - cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, vượt qua cột mốc 66.958 của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019. Cùng với đó là số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng lên tới 942.648 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là mức kỷ lục từ trước tới nay trong vòng 6 tháng.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi khá mạnh so với năm ngoái. Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cũng tăng cao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/6/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,47% so với cuối năm 2020, gấp đôi so với mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 là 2,45%.
Tín dụng tăng trưởng mạnh nhưng huy động toàn nền kinh tế tính đến 21/6 lại chỉ tăng 3,13%, thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,35%), dẫn tới lo ngại lãi suất huy động tăng lên trong cuối năm 2021 khi thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như trước.
Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng nhận định, tăng trưởng huy động thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn tăng trưởng tín dụng cho thấy một lượng tiền lớn của người dân đã được rút ra để đổ vào chứng khoán và bất động sản. Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn lãi suất sẽ có nguy cơ tăng lên, vì ngân hàng buộc phải tăng huy động để cho vay và thường các nhà băng sẽ hút vốn bằng cách tăng lãi suất.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, có 2 tín hiệu cần quan tâm để biết xu hướng lãi suất thời gian tới. Một là quá trình hồi phục hồi nền kinh tế đã đủ mạnh hay còn nhiều rủi ro phía trước? Hai là diễn biến của lạm phát, nếu tăng nhanh có thể hạn chế sự nới lỏng tiền tệ.
Theo ông Thành, tuy tốc độ huy động tiền gửi tăng thấp hơn tốc độ cho vay nhưng thanh khoản hệ thống vẫn khá dồi dào nên về ngắn hạn lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi dòng tiền đổ nhiều hơn vào chứng khoán và các thị trường khác, tăng trưởng huy động chậm hơn có thể ảnh hưởng ít nhiều tới thanh khoản các nhà băng. Điều này thể hiện ở thực tế một số ngân hàng, ở một vài thời đã tăng lãi suất nhưng không quá áp lực.
"Lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp một phần do người ta vẫn nghĩ lạm phát tăng nhưng trong tầm kiểm soát. Cùng với đó cách điều hành công cụ tiền tệ của NHNN vẫn có thể được kiểm soát tốt, uyển chuyển. Đồng thời, tỷ giá VND/USD được dự báo ổn định là những yếu tố hỗ trợ duy trì lãi suất ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức thấp từ nay tới cuối năm", ông Thành nói.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết, CPI tháng 6 tiếp tục tăng chậm, chỉ tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% từ đầu năm và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 6 tháng CPI chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ - mức tăng thấp nhất trong 5 năm và vẫn rất xa mục tiêu 4% của Chính phủ.
SSI cho rằng, CPI tăng chậm cho phép chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, theo diễn biến thị trường, hạn chế can thiệp và tiếp tục duy trì chính sách tín dụng hỗ trợ.
"Chúng tôi cho rằng sẽ ít có khả năng chính sách thắt chặt được thực thi trong thời gian tới và hạn mức tăng trưởng tín dụng có thể được bổ sung. Việc tăng trưởng trở lại của tín dụng thể hiện nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng giúp gia tăng triển vọng nới hạn mức tín dụng", SSI nhận định.
Chia sẻ về định hướng lãi suất ngân hàng 6 tháng cuối năm, đại diện NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN coi mục tiêu hỗ trợ cho nền kinh tế là trọng yếu, làm sao để hạn chế ít nhất sự đổ vỡ, rút khỏi thị trường của doanh nghiệp. Và đó sẽ tiếp tục là mục tiêu trong 6 tháng cuối năm của NHNN. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất ổn định, cùng với đó nỗ lực giảm lãi suất bằng cách yêu cầu các NHTM tiết giảm chi phí tối đa.
Nguồn: