Kiềm chế cuộc đua lãi suất
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) và lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm kể từ ngày 19-11, nhiều ngân hàng đã có động thái giảm nhẹ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, một số áp dụng giảm lãi suất với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nhiều ngân hàng cũng tung ra những gói tín dụng ưu đãi dành cho những nhóm khách hàng ưu tiên của ngân hàng.
Mới đây nhất, NHNN tiếp tục ban hành hàng loạt quyết định đối với tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN. Trong đó đáng chú ý là quy định lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND sẽ giảm xuống là 0,8%/năm sau 14 năm áp dụng mức lãi suất 1,2%/năm kể từ 2005. Theo đánh giá của các chuyên gia, các quyết định giảm lãi suất của NHNN vào thời điểm này là cần thiết. “Mục tiêu chính của NHNN khi ban hành các quyết định này là giảm mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay theo định hướng chung của Chính phủ cũng như định hướng điều hành của NHNN trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát” - TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn khá cao, việc giảm lãi suất sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các ngân hàng giảm lãi suất vào cuối năm là thời điểm hợp lý, do đây là lúc các doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn lớn cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc giảm lãi suất khá hạn chế, nhất là lãi suất cho vay chỉ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên được đánh giá là sẽ không tác động nhiều và cần độ trễ của chính sách để đo lường tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Dù vậy, những động thái này được cho là sẽ kiềm chế “cuộc đua” lãi suất của các ngân hàng, đưa mặt bằng lãi suất trở lại ổn định.
Chưa có tác động trên diện rộng
Theo quan sát của một số chuyên gia, dù các quyết định giảm lãi suất của NHNN được ban hành dồn dập nhưng trên thực tế, đến thời điểm này chưa có nhiều tác động trên diện rộng. TS Cấn Văn Lực đánh giá các quyết định của NHNN có xu hướng “nới lỏng” tiền tệ, tuy nhiên tác động không quá lớn. Đơn cử như việc giảm lãi suất huy động chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nên tác động rất hạn chế. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm chủ yếu chỉ áp dụng các lĩnh vực ưu tiên nên tác động đến kết quả kinh doanh các ngân hàng cũng không nhiều.
Theo quan sát của một số chuyên gia, dù các quyết định giảm lãi suất của NHNN được ban hành dồn dập nhưng trên thực tế, đến thời điểm này chưa có nhiều tác động trên diện rộng.
Ngược lại, đi cùng với các biện pháp giảm chi phí vốn cho ngân hàng, hạ lãi suất cho doanh nghiệp thì NHNN lại có xu hướng siết chặt các khoản vay nhiều rủi ro như tín dụng bất động sản. Theo đó, từ 1-1-2020 đến 30-9-2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn là 40%. Từ tháng 10-2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, nhiều khách hàng cho biết việc tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà đang trở nên khó khăn hơn. Chị Đinh Phương Anh, một khách hàng vay mua nhà tại một dự án trung cấp tại Hà Nội với mức giá gần 4 tỷ đồng/căn cho biết, khi tham khảo các ngân hàng, nhiều nhân viên tín dụng cho biết với các khoản vay lớn ngân hàng sẽ áp dụng quy định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, trước đây ngân hàng có thể cho vay tới 70% giá trị căn hộ, nhưng hiện tại chỉ hỗ trợ tối đa 50%, thời gian vay cũng giảm so với trước kia. Lãi suất các khoản vay mua nhà khoảng 12%/năm và sẽ điều chỉnh định kỳ căn cứ vào lãi suất huy động.
Đặc biệt, với các chủ đầu tư, việc tiếp cận vốn ngân hàng còn khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân, nếu theo quy định tăng hệ số rủi ro cho một khoản vay lên 200%, đồng nghĩa ngân hàng phải tăng khoản vốn tự có cho một khoản vay bất động sản lên gấp đôi. Khi đó, ngân hàng sẽ buộc phải hạn chế cho vay bất động sản, đồng thời phải tăng lãi suất… Lãi suất tăng, đồng nghĩa chi phí vốn chủ đầu tư tăng và chi phí này sẽ hạch toán vào giá nhà, người tiêu dùng sẽ là người cuối cùng chịu thiệt.
Doanh nghiệp nhỏ cũng không dễ
Hiện nay, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách dành cho đối tượng khách hàng này và đến nay đã được phát huy hiệu quả. Các ngân hàng cũng đã nhận thấy tiềm năng của phân khúc khách hàng này và có cách tiếp cận cởi mở hơn. Nhiều ngân hàng thậm chí còn có chính sách lãi suất cho vay riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường là thấp hơn 1-1,5% so với các ngành khác.
Thống kê của NHNN cho thấy, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt hơn 1.475.828 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,34%), với 196.689 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (tăng 9,4% so với cuối năm 2018) và cao hơn cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), trong điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế thì vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do họ thường không tích lũy được tài sản nhiều, không có tài sản thế chấp; hệ thống kế toán, tài chính và minh bạch thông tin chưa đạt chuẩn… Do vậy, nếu không có quan hệ lâu dài với ngân hàng thì việc tiếp cận vốn vẫn vô cùng khó khăn.
Tại một Diễn đàn về công nghiệp hỗ trợ 2019 mới đây, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ khó khăn do thiếu vốn, phải vay ngân hàng với lãi suất cao, khiến chi phí giá thành sản phẩm không thể cạnh tranh. Trong khi đó, đại diện NHNN cho rằng, vốn ngân hàng huy động ở dân cư nên việc đảm bảo an toàn vốn phải được chú trọng. Do đó, dù hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng phải có điều kiện nhất định và các doangh nghiệp phải tuân thủ quy định. Một điểm khó nữa đối với hoạt động cấp tín dụng cho nền kinh tế, đó là hiện nay một số ngân hàng lại đang gặp khó trong việc mở rộng tín dụng do vướng ở tỷ lệ an toàn vốn.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đánh giá của NHNN thì các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trên 50% như Agribank, Vietinbank đang có tỉ lệ an toàn vốn đang sát ngưỡng quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỉ lệ an toàn vốn. Nếu không được tăng vốn, các ngân hàng thương mại này sẽ phải hạn chế cấp tín dụng hoặc dừng cấp tín dụng. Đây là các ngân hàng đang có thị phần cho vay lớn đối với nền kinh tế, do vậy điều này rất ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn: