Theo cập nhật mới nhất từ dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước , lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng thấp kỷ lục.
Lãi suất bình quân VND qua đêm vẫn chỉ quanh 0,1%/năm thời gian gần đây; kỳ hạn 1 tuần chỉ quanh 0,25%/năm.
Vùng lãi suất rất thấp này đã thể hiện từ giữa năm 2020 đến nay và gần như không có biến động lớn. Diễn biến này tiếp tục phản ánh thanh khoản hệ thống và cân đối nguồn thuận lợi.
Trên biểu huy động từ dân cư, thị trường cùng vừa đón đợt giảm lãi suất VND đầu tháng 12 vừa qua. Lãi suất VND các kỳ hạn ngắn như 1 tuần cũng chỉ còn quanh 0,2%/năm.
Vùng lãi suất trên các thị trường nói trên đang tạo chênh lệch lớn so với một số lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ngay cả sau khi đã có đợt giảm từ 01/10 vừa qua.
So sánh có thể khập khiễng, vì mỗi lãi suất điều hành gắn với mỗi nghiệp vụ, thị trường hoặc cân đối khác nhau, nhưng một số lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đang trở nên đắt đỏ khi cao gấp cả chục lần.
Cụ thể, hàng ngày, trên thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào mua giấy tờ có giá với lãi suất 2,5%/năm, kỳ hạn 7 ngày, quy mô 1.000 tỷ đồng mỗi phiên. Tuy nhiên, suốt thời gian qua ở kênh này không có phát sinh giao dịch; các tổ chức tín dụng không tiếp cận nguồn ở đây với lãi suất cao hơn cả chục lần so với nguồn trên thị trường liên ngân hàng.
Tương tự, ở một kênh khác là lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng hiện áp tới 5%/năm, sau khi giảm từ 5,5%/năm ngày 01/10 vừa qua.
Lãi suất này chênh cao rất lớn so với các thị trường khác, được xem như một loại "lãi suất phạt" đối với các trường hợp không chủ động được trong cân đối thanh khoản. Và ở đây thường ít phát sinh giao dịch hỗ trợ.
Như trên, lãi suất liên ngân hàng và cả lãi suất huy động trên thị trường dân cư ở mức thấp hơn nhiều so với mức hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhờ thanh khoản và cân đối nguồn dồi dào… Nhưng phía trước, mùa cao điểm cuối năm đến gần - thời điểm mà hệ thống thường cần nhà điều hành hỗ trợ cân đối nguồn để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả dồn vào cuối năm.
Năm nay, nếu hoạt động hỗ trợ nguồn từ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện, mức lãi suất nói trên trở nên đắt đó và sẽ là chi phí đáng kể đối với hệ thống, ngoại trừ có điều chỉnh mới.
Nhưng ngược lại, như mùa cao điểm 2019-2020, đã từng có hiện tượng hệ thống gần như không cần đến nguồn hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước. Một trong những nguyên do, năm 2019 nhà điều hành đã mua vào hơn 20 tỷ USD tương đương với gần 500.000 tỷ đồng tiền cung ứng được bơm ra thị trường.
Năm nay, dự kiến lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào cũng ở quy mô lớn. Trong khi đó, nhằm gián tiếp hỗ trợ hệ thống, tạo cung nguồn hạ lãi suất, kích thích nền kinh tế vượt qua khó khăn Covid-19, nhiều tháng qua nhà điều hành đã không thực hiện phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về để trung hòa bớt như trước.
Theo đó, nhiều khả năng hệ thống NHTM mùa cao điểm cuối năm nay vẫn có thể tiếp tục tự dưỡng thanh khoản, với lãi suất thấp được bình ổn. Trong trường hợp cần hỗ trợ nguồn, nếu với những mức lãi suất điều hành Ngân hàng Nhà nước đang duy trì hiện nay, chi phí sẽ phải cao hơn nhiều.
Nguồn: