Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động
Từ đầu tháng 7 tới nay, thị trường ghi nhận khá nhiều ngân hàng công bố quyết định tăng lãi suất huy động với mức tăng khá mạnh và chủ yếu ở kỳ hạn dài.
Trên biểu lãi mới cập nhật, Ngân hàng SHB đã tăng lãi suất kiết kiệm ở một loạt các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 tháng lên tới 7,8%/năm, so với mức chỉ 6,8%-6,9% trước đó.
Ở kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, mức lãi suất tối đa cũng tăng mạnh lên lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm. Trước đó, lãi suất ở các kỳ hạn này chỉ ở mức 6,9% - 7,2%.
Với lần điều chỉnh mạnh này, SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường.
Tương tự, Ngân hàng ABBank cũng vừa có quyết định tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lên 7,5%/năm và 12 tháng lên 8,5%/năm, tăng lần lượt 0,7 và 0,8 điểm phần trăm so với mức lãi suất cũ.
Một ngân hàng khác là Eximbank cũng tiếp tục áp dụng biểu lãi suất mới từ 6/8, sau khi vừa có lần tăng lãi suất hồi đầu tháng 7 vừa qua.
Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm tại quầy là 8,4%/năm, kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng thay vì 8%/năm như trước đây. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng vọt từ lên 6,8%/năm lên 7,9%/năm.
Tại NamABank, lãi suất gửi tại quầy ở kỳ hạn 25 tháng - 36 tháng cũng đồng loạt tăng mạnh 0,5 điểm % lên mức 7,9%/năm. Kỳ hạn 14 tháng - 23 tháng cũng tăng từ 0,2-0,4 điểm %/năm, lên đến 7,7-7,8%/năm.
Trước diễn biến trên, hai “ông lớn” Nhà nước là BIDV và VietinBank có thị phần huy động lớn cũng có điều chỉnh vừa qua, với mức tăng từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, lên mức 7%/năm.
Đây là một trong những lần hiếm hoi các nhà băng này tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân trong những năm gần đây.
Để huy động nguồn vốn trung, dài hạn, bên cạnh tiền gửi, một số nhà băng còn tăng mạnh lãi suất chứng chỉ tiền gửi.
Ngày 19/8, Viet Capital Bank cho biết vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi, lãi suất tạo điểm nóng mới trên thị trường khi lên tới 10,2%/năm.
Chứng chỉ tiền gửi này phát hành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng hoặc khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với kỳ hạn gửi là các mức lãi suất lần lượt 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10%/năm và 10,2%/năm.
Đây cũng là những mức lãi suất huy động vốn cao hàng đầu trên thị trường hiện nay.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, một ngân hàng khác là VIB cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, với lãi suất là 9,1%/năm.
Đây là mức lãi suất khá cao so với mức chỉ trên dưới 8% mà phần lớn các ngân hàng đang đưa ra đối với chứng chỉ tiền gửi cùng kỳ hạn.
Lãi suất cho vay có tăng?
Theo dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, dự kiến chậm nhất đến đầu tháng 7/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được kéo về mức 30%.
Dù đây mới là dự thảo, quy định hiện hành vẫn ở mức cao với 40%, nhưng thực tế cho thấy các ngân hàng đã và đang chủ động nguồn lực để giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Và việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài là một trong những giải pháp giúp tái cơ cấu nguồn vốn của các nhà băng.
Mặt khác, những tháng cuối năm thường là giai đoạn nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân tăng mạnh. Các ngân hàng, theo đó, phải tăng cường huy động vốn để đáp ứng tăng trưởng tín dụng .
Trong năm 2019, qua các bước từ tháng 4 và tháng 9, Ngân hàng Nhà nước lần lượt thực hiện chính sách ngừng cho vay ngoại tệ đối với một số nhóm nhu cầu. Những nhóm nhu cầu này có thể chuyển sang và tạo áp lực tới tín dụng và nguồn vốn VND.
Dù lãi suất đầu vào có dấu hiệu đi lên như trên, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất cho vay sẽ ít có khả năng bị "nóng" theo do mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.
Riêng ở khối ngân hàng thương mại lớn, cùng nhóm "big 4" (Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank), mặt bằng lãi suất vẫn khá ổn định ở mức thấp, mà đây là nhóm chiếm thị phần huy động và cho vay lớn nên hiện dấu hiệu cuộc đua cục bộ trên chưa tạo ảnh hưởng lớn khi xét theo thị phần.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được kiểm soát tốt, thanh khoản hệ thống dồi dào cũng là những yếu tố quan trọng hỗ trợ ổn định lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Nguồn: