Có trăm tỷ đồng mới được hưởng lãi khủng
Khảo sát trên thị trường, hiện mức lãi suất tại quầy cao nhất là 8,6%/năm, lãi suất tiền gửi online cao nhất là 8,7%/năm. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi với kỳ hạn dài hoặc số tiền gửi lớn.
Hiện Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank) vẫn là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất khi áp dụng mức 8,6%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng gửi tại quầy, 8,7% với hình thức tiết kiệm trực tuyến.
Với kỳ hạn 18 tháng, ngân hàng này cũng áp dụng lãi suất lên đến 85,%/năm đối với khách hàng gửi tại quầy, 8,6% với tiết kiệm trực tuyến. Đây cũng là ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất mà không yêu cầu số tiền gửi lớn.
Tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), mức lãi suất 8,55% cũng được ngân hàng này áp dụng với loại hình tiết kiệm Đắc Lộc Phát (kỳ hạn từ 13 – 36 tháng, số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng).
Tiếp theo, lãi suất quanh mức 8,5%/năm được khá nhiều ngân hàng đưa ra, nhưng nhiều ngân hàng yêu cầu số tiền gửi rất lớn. Đơn cử như tại SHB, trong khi lãi suất các kỳ hạn khác không quá 7,5% thì kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,5%/năm, tuy nhiên khách hàng phải có số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Tương tự, Nam Á Bank công bố lãi suất 8,45%/năm với kỳ hạn 24 tháng, 8,3% cho kỳ hạn 13 tháng nhưng cho số tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với loại hình tiết kiệm trực tuyến, ngân hàng này không yêu cầu mức sàn tiền gửi và áp dụng mức cao nhất kỳ hạn 36 tháng là 8,6%, kỳ hạn 18 và 24 tháng là 8,5%.
Tại VIB cũng có mức lãi suất cao nhất lên tới 8,4%/năm, tại ABBank và Nam Á Bank là 8,3%, nhưng cũng yêu cầu số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao nhưng lại yêu cầu khoản tiền gửi quá lớn
Trên thực tế, số lượng khách hàng cá nhân có cả trăm tỷ đồng gửi ngân hàng là không nhiều. Do vậy, dù được quảng cáo mức lãi suất xấp khủng nhưng không phải nhiều khách hàng được hưởng lãi suất này.
Chứng chỉ tiền gửi lãi cao, có nên mua
Ngoài gửi tiết kiệm, để thu hút dòng tiền gửi dài hạn, nhiều ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất có nơi đã vượt 9%. Cụ thể, VietABank niêm yết mức lãi suất cuối kì lên tới 9,1% cho các chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng.
SHB phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất đến 8,9%/năm đối với cá nhân mua chứng chỉ từ 2 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng. Các kỳ hạn ngắn hơn, 18 tháng, 24 tháng được hưởng lãi suất lần lượt là 8,7%/năm; 8,8%/năm.
Chứng chỉ tiền gửilãi suất cao lên tới trên dưới 9%/năm mà các ngân hàng quảng cáo đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, việc mua chứng chỉ tiền gửi cũng có nhiều bất cập.
Hiện có 3 loại chứng chỉ tiền gửi, bao gồm chứng chỉ tiền gửi ghi danh (có ghi tên người sở hữu), chứng chỉ tiền gửi vô danh (không ghi tên người sở hữu và thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi) và chứng chỉ tiền gửi ghi sổ (là loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn).
Với chứng chỉ tiền gửi, khi có nhu cầu vốn đột xuất, khách hàng sẽ khó có thể hủy ngang hợp đồng đã kí đối với chứng chỉ tiền gửi ghi danh mà chỉ có thể chiết khấu hợp đồng hoặc thế chấp vay vốn lại với lãi suất cao hơn.
Đối với trường hợp chứng chỉ tiền gửi vô danh, người sở hữu có thể bán lại, nhưng việc bán cho khách hàng không phải dễ. Còn nếu bán cho ngân hàng thì khách hàng sẽ phải mất phí chiết khấu…
Như vậy, có thể thấy dù lãi suất cao hơn hẳn gửi tiết kiệm thông thường nhưng chứng chỉ tiền gửi vẫn chưa thực sự thu hút khách hàng.
Xem bài gốc TẠI ĐÂY
Nguồn: