Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên ngày 22/3 đã giảm thêm 0,5 điểm % xuống còn 1,55%/năm - mức thấp nhất kể giữa tháng 7/2022. So với cuối tuần trước, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng đã giảm hơn một nửa và giảm 4,85 điểm % so với mức cao điểm ghi nhận hồi đầu tháng 3.
Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng giảm mạnh xuống còn lần lượt 1,98%/năm, 2,26%/năm và 4,44%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu sau khi NHNN quyết định giảm 1 điểm % một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Bên cạnh đó, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước.
Ngoài sự hỗ trợ chính sách của NHNN, thanh khoản hệ thống cũng dồi dào hơn do nhu cầu tín dụng còn thấp. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24/2 mới chỉ đạt 0,77%, chưa bằng 1/3 mức tăng cùng kỳ năm 2022.
Thanh khoản dồi dào cùng với lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp khiến các nhà băng không còn mặn mà với kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) của NHNN.
Theo đó, trong phiên giao dịch 22/3, Nhà điều hành tiếp tục chào thầu mua kỳ hạn giấy tờ có giá 28 ngày nhưng không có thành viên nào tham gia đấu thầu. Đây là phiên thứ ba liên tiếp hệ thống ngân hàng không vay một đồng nào từ NHNN trên kênh OMO.
Đáng chú ý, trong khi lãi suất VND liên ngân hàng liên tục đi xuống thì lãi suất USD liên ngân hàng lại đang duy trì khá ổn định. Điều này khiến chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đảo chiều sang trạng thái âm với khoảng chênh ngày càng được nới rộng.
Dù vậy, khác với giai đoạn trước, chênh lệnh lãi suất VND và USD ở trạng thái âm không gây áp lực lên tỷ giá. Thậm chí, trong những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND còn có xu hướng giảm.
Khảo sát tại Vietcombank cho thấy, giá USD niêm yết tại ngân hàng này vào cuối ngày 23/3 đã giảm khoảng 70 đồng so với mức ghi nhận trước khi NHNN giảm lãi suất điều hành và lãi suất liên ngân hàng lao dốc.
Giới phân tích cho rằng, đồng USD suy yếu trên thị trường quốc tế sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá VND. Bên cạnh đó, sự cải thiện của cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam cũng góp phần hỗ trợ tỷ giá đồng VND.
Nguồn: