Lãi suất thấp đã 'ngấm' vào thị trường

23/11/2024
Dòng vốn rẻ đã ngấm vào doanh nghiệp, những hạt nhân của nền kinh tế. Để dòng vốn rẻ chảy nhanh vào nền kinh tế như vậy, thời gian qua các ngân hàng triển khai rất quyết liệt kế hoạch giảm lãi suất, đi kèm theo đó là việc đơn giản hóa các thủ tục để nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.

Gia tăng nguồn vốn rẻ…

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng chiếm quy mô lớn trong hệ thống liên tục công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay với số tiền giảm lãi suất đợt này dự kiến lên tới 20.300 tỷ đồng. Đặc biệt 4 NHTM Nhà nước còn thực hiện giảm thêm lãi suất, bên cạnh cam kết chung trong khối 16 ngân hàng nói trên, để hỗ trợ khách hàng tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử, sau khi công bố thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm và một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành từ ngày 15/7 đến 31/12, BIDV lại tiếp tục triển khai gói vay mới với lãi suất giảm 0,5 - 1,5%/năm dành cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại 19 tỉnh/thành phố phía Nam với tổng ngân sách 1.000 tỷ đồng. Chưa hết, ngân hàng cũng triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng áp dụng cho khoản vay ngắn hạn tối đa 12 tháng với mức lãi suất thấp hơn 1,5%/năm so với thông thường. Tính trong 7 tháng đầu năm, BIDV đã hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam khoảng trên 500 tỷ đồng, nâng tổng nguồn lực dự kiến hỗ trợ cho nhóm khách hàng này trong cả năm lên 1.500 tỷ đồng.

Lãi suất thấp đã ngấm vào thị trường - Ảnh 1.

Các ngân hàng nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có nguồn giảm lãi suất, phí cho khách hàng.

Tương tự sau khi thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% đến 1% cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian từ 15/7 đến hết 31/12, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5%/năm cho khách hàng ở 19 tỉnh phía Nam trong thời gian từ ngày 18/8 đến hết 31/12. Đặc biệt, các khách hàng đã được giảm lãi suất theo chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giai đoạn 3 của Vietcombank triển khai ngày 15/7/2021 sẽ được tiếp tục giảm thêm lãi suất theo chính sách hỗ trợ lần này.

Như vậy, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 8 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai. Tính đến hết tháng 6/2021, nhà băng này đã hỗ trợ giảm lãi cho khách hàng với tổng giá trị hơn 5.400 tỷ đồng.

Agribank cũng là ngân hàng có biên độ giảm lãi suất khá rộng. Ông Phạm Toàn Vượng – Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, 100% khách hàng vay vốn đều được giảm lãi suất, nhưng mức giảm tuỳ lĩnh vực. Đơn cử, đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid sẽ được giảm tới 2,5%/năm. Ngoài ra, các khoản nợ từ 15/7/2021 trở về trước còn được ngân hàng xem xét miễn giảm lãi chưa trả. Đối với khách hàng đánh giá mức độ tác động nhẹ hơn, các khoản dư nợ hiện hữu sẽ được giảm 10% đối với lãi suất đang áp dụng. Agribank không yêu cầu khách hàng phải đến ngân hàng, chỉ thông báo đến khách hàng và tự động điều chỉnh trên sổ sách.

Không chỉ các NHTM Nhà nước, các ngân hàng thuộc khối cổ phần tư nhân cũng tích cực vào cuộc để hỗ trợ khách hàng. Một lãnh đạo của MB cho biết ngân hàng sẽ hỗ trợ lãi suất từ 0,5-1,5%/năm tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài ra, các khách hàng giải ngân mới thuộc đối tượng ưu tiên, sẽ được áp dụng biểu lãi suất mới với mức thấp hơn 0,5-1%/năm so với trước đây. Lần giảm này, đối với khách hàng cũ thuộc nhóm ưu tiên ngân hàng sẽ chủ động thực hiện giảm lãi suất ngay mà họ không cần ký kết các văn bản và đề nghị gì. Ước tính có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân, 50.000 tỷ đồng dư nợ khách hàng doanh nghiệp được hưởng chính sách này.

… đã “ngấm” vào doanh nghiệp

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ đã nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Tuỳ theo dư nợ vay, có doanh nghiệp tiết kiệm được từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/tháng từ việc được giảm lãi suất. Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Tổng giám đốc DNP Corp cho biết, hiện doanh nghiệp có hai khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn để duy trì sản xuất và đầu tư nhà máy, số lãi hàng tháng phải trả lên đến vài tỷ đồng. Nhưng may mắn, doanh nghiệp đã được ngân hàng giảm lãi cho cả hai khoản này, trong đó lãi suất trung dài hạn được giảm khoảng 0,5%/năm, còn ngắn hạn từ 0,5 - 0,7%/năm. Ước tính, doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 10 tỷ đồng tiền lãi. “Do tác động của dịch, 70% doanh thu đã bị ảnh hưởng do giãn cách. Nhờ sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, doanh nghiệp chúng tôi có thêm dòng tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Minh chia sẻ.

Một doanh nghiệp ở Bình Dương - điểm nóng dịch Covid khu vực phía Nam - cũng cho biết đã được ngân hàng thông báo giảm lãi suất 0,5%/năm. Với số vốn vay gần 200 tỷ đồng, thì mỗi tháng doanh nghiệp tiết kiệm gần 100 triệu đồng. “Đơn hàng không có, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trang trải nhiều chi phí như lo cho công nhân 3 tại chỗ… Việc được ngân hàng giảm lãi suất đã giúp chia sẻ phần nào áp lực tài chính trên vai doanh nghiệp”, lãnh đạo doanh nghiệp trên bày tỏ.

Những dẫn chứng trên cho thấy, dòng vốn rẻ đã ngấm vào doanh nghiệp, những hạt nhân của nền kinh tế. Để dòng vốn rẻ chảy nhanh vào nền kinh tế như vậy, thời gian qua các ngân hàng triển khai rất quyết liệt kế hoạch giảm lãi suất, đi kèm theo đó là việc đơn giản hóa các thủ tục để nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.

Lãi suất thấp đã ngấm vào thị trường - Ảnh 2.

Các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.



Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng yêu cầu các chi nhánh phải rốt ráo triển khai. Đặc biệt, các chi nhánh phải hoàn thành việc giảm lãi suất cho khách hàng trong vòng 15 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực (15/7). “Trường hợp chi nhánh nào không thực hiện kịp thời, không đúng đối tượng, ngân hàng sẽ xem xét trách nhiệm giám đốc chi nhánh. Sự vào cuộc lần này cho thấy quyết tâm lớn, toàn diện của Agribank”, ông Vượng nhấn mạnh.

Đợt giảm lãi suất lan toả mạnh này, bên cạnh sự chủ động từ phía ngân hàng, cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp quyết liệt để đảm bảo đợt giảm lãi suất lần này diễn ra thực chất, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp. Rõ nét nhất là NHNN liên tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất và miễn phí dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong văn bản gần đây nhất, bên cạnh việc triển khai các chương trình giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ, NHNN còn yêu cầu TCTD báo cáo kết quả thực hiện. Kỳ báo cáo đầu tiên gửi chậm nhất vào ngày 31/8. Ngoài ra, NHNN cho biết sẽ công khai kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất, giảm phí của từng ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời sẽ tăng cường công tác giám sát bằng nhiều biện pháp trực tiếp, gián tiếp việc thực hiện cam kết của toàn hệ thống NHTM và từng chi nhánh NHTM tại các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở kết quả giám sát việc thực hiện giảm lãi suất, phí này, NHNN sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.

Trước đó, trao đổi với báo giới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ giám sát việc cam kết giảm lãi suất của các NHTM từ nay đến cuối năm để đảm bảo việc giảm lãi suất diễn ra thực chất. Điều đó được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rất tích cực, qua đó củng cố lòng tin doanh nghiệp đối với chính sách của ngành Ngân hàng.

Giới chuyên môn cũng ghi nhận nỗ lực của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, dù bản thân ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong hoạt động như các doanh nghiệp khác, nhưng với vai trò kênh dẫn vốn chủ yếu của nền kinh tế, từ đầu năm 2020 tới nay, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí; cung ứng vốn với lãi suất thấp cho nền kinh tế, kiểm soát chất lượng tín dụng; thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt; đóng góp an sinh xã hội…

Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, việc các ngân hàng cam kết giảm lãi suất với tổng số tiền lãi giảm là 24.300 tỷ đồng, đồng thời cơ cấu thời hạn trả nợ cho dư nợ khoảng 600.000 tỷ đồng… thì các TCTD sẽ giảm thêm khoảng 28.200 tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ có thêm một khoản tương ứng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn: