Theo Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%).
Theo số liệu của NHNN, cuối năm 2019, tổng số tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế tại các TCTD đạt hơn 8,79 triệu tỷ đồng. Như vậy, đến ngày 19/6, tổng tiền gửi sẽ đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo thống kê của NHNN, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng tiền gửi tại hệ thống TCTD chỉ tăng 0,07%. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh 3,9%, tiền gửi của dân cư vẫn tăng 3,36%.
Như vậy, lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng đã bật tăng khá mạnh chỉ trong 2 tháng cuối cùng của quý 2 và có thể lượng tiền gửi của doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.
Tuy mức tăng của huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn rất ấn tượng, khi đặt trong bối cảnh đầu ra là tín dụng tăng rất thấp. Theo Tổng cục thống kê, tín dụng đến ngày 19/6 mới chỉ tăng 2,45% so với cuối năm 2019, cũng là mức tăng cùng kỳ thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Điều này sẽ tạo một áp lực không nhỏ về chi phí huy động vốn đầu vào của các nhà băng. Bởi vậy, trong thời gian gần đây, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tiếp tục xuống thấp.
Chẳng hạn, VPBank vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ 20/6, giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn; lãi suất cao nhất cũng chỉ còn 7%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 50 tỷ, kỳ hạn dài. So với tháng 6/2019, mức lãi suất kỳ hạn dài tại VPBank đã giảm khoảng 0,8-1%/năm.
ACB cũng công bố biểu lãi suất mới từ 24/6, với lãi suất cao nhất (khi gửi tại quầy) chỉ còn 6,8%/năm, giảm mạnh so với mức 7,35%/năm trước đó.
Lãi suất tại nhóm Big 4 còn thấp hơn nữa. Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hiện huy động tiền gửi kỳ hạn 9 tháng với lãi suất chỉ 4,9-5,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ khoảng 6,5-6,6%/năm.
Nguồn: