Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao gấp đôi lãi gửi ngân hàng

23/04/2024
Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 - 3 năm, với lãi suất cố định 13%/năm, gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng. Bộ Tài chính đã khuyến nghị, nhà đầu tư cá nhân cần nắm rõ thông tin trái phiếu mới nên mua, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao.

Trong khi tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng chậm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất sôi động trong nửa đầu năm. Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 5 là 27.061 tỷ đồng, tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 5 tháng đầu năm 2020 là 91.616 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trong khi lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng liên tục giảm mạnh, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn ở mức cao hơn, và không giảm nhiều so với năm ngoái. Thậm chí, lãi suất trái phiếu hiện còn gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm. 

Quan sát trên thị trường, nhóm ngân hàng là nhóm tổ chức phát hành trái phiếu với lãi suất thấp nhất, chỉ khoảng 5,5-6,5%/năm đối với kỳ hạn 2-3 năm và 7,2-9,6%/năm đối với kỳ hạn 6-15 năm. 

Ngoại trừ nhóm ngân hàng, các doanh nghiệp khác đang phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn khá nhiều, phổ biến từ 10-13%/năm. Trong đó, nhiều công ty phát hành trái phiếu với lãi suất từ 12-13%/năm, có thể kể đến Bất động sản (BĐS) Phát Đạt, chuỗi cầm đồ F88, BĐS Hưng Lộc Phát, BCG Land, BĐS Đông Dương,…

Cụ thể, Công ty cổ phần phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) ngày 16/6 phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 năm với quy mô 100 tỷ đồng, lãi suất cố định 13%/năm với kỳ thanh toán 3 tháng/lần. Trong đợt phát hành này, nhà đầu tư tổ chức đã mua 70 tỷ đồng trái phiếu của PDR, trong khi nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 10 tỷ đồng. 

BCG Land đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 11-24/6. Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng và 1 ngày, lãi suất 12%/năm trong suốt kỳ hạn trái phiếu, kỳ tính lãi 3 tháng/lần.

Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam ngày 3/6 đã phát hành 10 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 13%/năm. CTCP Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất ngày 11/6 phát hành 50 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất cố định 13%/năm, trả lãi 6 tháng/lần. Chuỗi cầm đồ F88 từ đầu năm đến nay cũng phát hành được 151,57 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 1 năm với lãi suất cố định 12,5%/năm, trả lãi 3 tháng/lần.

Nhìn chung, nhóm bất động sản, xây dựng vẫn đứng đầu về lãi suất và số lượng doanh nghiệp phát hành từ đầu năm đến nay. 

Trước sự sôi động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều lần đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp phát hành cũng như đối với các nhà đầu tư. 

Bộ Tài chính khuyến nghị, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Các nhà đầu tư cũng cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành); mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cần tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ; tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu; sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu gắn với mục đích phát hành.

Đáng chú ý, BTC đề nghị không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu; có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.

Về phía tổ chức phân phối trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư, có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. 

Nguồn: