Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ hàng tuần của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) vừa công bố cho biết, trong tuần vừa qua (tuần đến ngày 13/9), NHNN không có giao dịch nào mới trên thị trường mở, 988 tỷ đồng mua kỳ hạn vào tuần trước đến hạn đồng nghĩa với 988 tỷ đồng được bơm vào hệ thống, số dư tín phiếu và OMO đều về 0.
Dù vậy, tiền đồng vẫn được bơm ra qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của NHNN. Thanh khoản cải thiện, lãi suất trên liên ngân hàng giảm sâu. Vào ngày thứ 6, NHNN thông báo cắt giảm 0,25%/năm ở một loạt các lãi suất điều hành, trong đó lãi suất OMO giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm từ ngày 16/9/2019. Thông tin này đã nối dài bước giảm của lãi suất trên liên ngân hàng, lãi suất qua đêm giảm về 2,78%/năm, giảm tổng cộng tới 87 điểm cơ bản (bps) trong tuần vừa qua. Chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp về 0,46%/năm.
Cách đây 2 tháng, lãi suất tín phiếu cũng đã được NHNN điều chỉnh giảm từ 3% về 2,75%/năm. Lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng thường dao động trong vùng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO. Thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành, NHNN đã kéo khoảng dao động của lãi suất trên liên ngân hàng thấp xuống 25bps (trong vùng từ 2,75% đến 4,5%/năm). Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động TCKT & dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 không cao.
Lãi suất trên thị trường 1 vẫn duy trì ổn định ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Trước đó, NHNN đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiên phong giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên tới 2 lần kể từ đầu năm đến nay; tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các NHTM chạy đua tăng lãi suất huy động trong đó gồm cả việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu bất động sản của các NHTM…Động thái này thể hiện sự tăng cường kiểm soát dòng chảy tín dụng và chủ trương giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của NHNN.
Theo nhóm phân tích của SSI, nếu có sự đồng lòng của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV, Vietcombank, Agribank và VietinBank cùng các ngân hàng cổ phần lớn (chiếm tới 70% thị phần huy động và cho vay) thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được thông qua các biện pháp kỹ thuật mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.
Tuy nhiên trên thực tế, việc đồng thuận giảm lãi suất của các ngân hàng không dễ gì thực hiện bởi áp lực kinh doanh ngày càng lớn, nhất là huy động vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh cuối năm cũng như quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, đối tượng được giảm lãi suất chủ yếu ở lĩnh vực ưu tiên, còn với các doanh nghiệp và ngành nghề khác thì việc tiếp cận vốn vẫn còn hết sức khó khăn chứ chưa nói đến lãi suất thấp. Bởi vậy, theo nhận xét của giới quan sát, động thái của NHNN khi giảm lãi suất điều hành, dù rất nhẹ, nhưng cũng sẽ là chất xúc tác tốt giúp lãi suất bớt căng thẳng trong các tháng cuối năm.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa công bố tuần trước, Chính phủ yêu cầu NHNN trong các tháng cuối năm tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tỷ giá phù hợp. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…
Nguồn: