Như BizLIVE đề cập ở bản tin trước, những phiên giao dịch trong tuần này lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng có những bước tăng mạnh, có diễn biến đột ngột như trong phiên 21/11.
Cụ thể, nổi bật ở mức lãi suất bình quân qua đêm đã tăng gần gấp đôi so với chỉ ít ngày trước đó, từ chỉ khoảng 1,7% lên 3,34%/năm.
Đó là một bước tăng mạnh hiếm thấy kể từ đầu năm, cũng như phá vỡ quãng thay đổi ở vùng thấp kéo dài những tháng gần đây (như lãi suất qua đêm chỉ xoay quanh 2%/năm).
Diễn biến trên thể hiện đúng ở thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng trần lãi suất tiền gửi mới đối với các ngân hàng thương mại, từ ngày 19/11, theo hướng giảm xuống so với trước.
Tuy nhiên, trả lời BizLIVE, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, diễn biến tăng của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng không liên quan đến việc điều chỉnh trần lãi suất mới. Theo đó, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.
Trong ngày 19/11, ngày đầu tiên thực hiện trần lãi suất tiền gửi VND mới, lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng bắt đầu có bước tăng đáng chú ý, từ 1,72%/năm phiên liền trước lên 2,1%/năm. Tuy nhiên, chưa có thay đổi lớn so với quãng giao dịch kéo dài trước đó.
Nhưng đến phiên 20/11, lãi suất VND trên thị trường này tiếp tục tăng mạnh lên, mức bình quân qua đêm đã lên 2,35%/năm.
Và đến phiên 21/11, như trên, bước tăng mạnh đột ngột thể hiện với mức bình quân qua đêm lên tới 3,34%/năm, gần gấp đôi so với mức chỉ khoảng 1,7%/năm giao dịch chỉ một tuần trước đó.
Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng thường được chú ý nhất, vì nó góp phần phản ánh nhất định cân đối thanh khoản ngắn hạn trong hệ thống ngân hàng; và đây cũng là kỳ hạn có doanh số cao nhất và chủ yếu ở hầu hết các phiên giao dịch.
Trao đổi với BizLIVE, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, vào thời điểm cuối tháng và nhất là khi thị trường bắt đầu bước vào mùa cao điểm thanh toán cuối năm, lãi suất liên ngân hàng thường tăng lên.
Năm nay, tháng cuối cùng của năm 2019 đã gần kề, và đáng chú ý là Tết dương lịch gần với Tết Nguyên đán.
Nhưng theo vị lãnh đạo chuyên trách trên, năm nay cân đối vốn và thanh khoản hệ thống tốt hơn nhiều và có khác biệt lớn so với những năm trước. Hệ thống tự điều tiết tốt hơn và thậm chí có dư thừa vốn.
Cụ thể, nếu thời điểm này năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã phải cho vay hỗ trợ nguồn qua thị trường mở (OMO) với số dư lớn, lên tới khoảng 60.000 tỷ đồng, thì năm nay thậm chí các ngân hàng còn dư ngược để ở Ngân hàng Nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng qua số dư tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành tính đến cuối tuần qua.
Và như thể hiện suốt từ đầu năm đến nay, ngoại trừ một vài thời điểm cá biệt có phát sinh, Ngân hàng Nhà nước vẫn đều đặn chào cho vay hỗ trợ trên OMO hàng ngày cho đến nay nhưng không có trường hợp nào cần đến (tất nhiên có một rào cản về lãi suất ở đây, cao hơn nhiều so với vay trên liên ngân hàng). Số dư hỗ trợ kênh này hiện bằng 0, trong khi cùng kỳ năm trước, như trên, lên tới khoảng 60.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, trước yếu tố mùa vụ và nhu cầu vốn tăng lên vào cao điểm cuối năm, trong hai phiên gần nhất (21 và 22/11) thị trường ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã tạm ngừng hoạt động phát hành tín phiếu hút bớt tiền về. Lượng vốn ở kênh này cũng lần lượt đáo hạn và chảy ra thị trường tạo nguồn.
Như vậy, khớp ở các kênh, cho đến nay việc điều tiết của nhà điều hành diễn ra khá nhịp nhàng. Và không loại trừ, nguồn VND cung ứng có thể được tạo mới từ kênh Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, khi mà gần đây tỷ giá USD/VND lại tiếp tục nằm khá sâu dưới ngưỡng chặn 23.200 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, diễn biến của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng từ tháng 11 này trở nên đặc biệt được chú ý, vì đây là tháng đầu tiên nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước bắt đầu phải kết chuyển về Ngân hàng Nhà nước, theo chính sách mới mà Bộ Tài chính đã ban hành vào cuối tháng 8/2019.
Nguồn: